LTS: Hôm nay (17/2) là ngày kỉ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc (1979 - 2019), vấn đề đưa nội dung này vào chương trình SGK Lịch sử cho học sinh cũng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, kể cả các giáo viên dạy Sử. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc vừa có một số ý kiến chia sẻ xung quanh vấn đề này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới độc giả:
Trong sách giáo khoa lớp lịch sử lớp 12 cơ bản, ở bài 25: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976 – 1986), mục II - Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979), có đưa nội dung Chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.
Chiến tranh biên giới phía Tây Nam được viết 13 dòng, chiến tranh biên giới phía Bắc được viết 10 dòng. Nhưng cả bài này nằm trong phần giảm tải đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ không dạy trong chương trình chính khóa và nhiều giáo viên lịch sử cũng sẽ không nói gì đến nội dung này trong quá trình giảng dạy.
Ở sách giáo khoa lớp lịch sử lớp 12 nâng cao bài 30: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ tổ quốc (1976 – 1986) có viết rõ hơn, ở mục 1- Đấu tranh bảo vệ biên giới phái Tây Nam được viết 22 dòng và 7 dòng chữ in nhỏ. Mục 2- Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc viết 13 dòng. Như vậy thực tế có đưa vào sách giáo khoa nhưng không có trong chương trình dạy, ở nội dung giảm tải nên có cũng như không.
Tinh thần quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc được lan tỏa trong từng hành động của chiến sĩ và đồng bào ta. Ảnh tư liệu: Báo Quân đội nhân dân. |
Tôi đã tiến hành khảo sát trên diện hẹp gồm chủ yếu học sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và một số sinh viên các trường đại học, công chức… khoảng 500 người và 50 giáo viên dạy các bộ môn khác nhau, với nội dung có đưa Chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vào chương trình giảng dạy ở cấp THPT hay không?
Trong tổng số 50 giáo viên được hỏi, có 2 giáo viên dạy lịch sử trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Hương Quỳnh – Hằng Nga) lại cho rằng không nên đưa vào dạy trong chương trình, lí do là “chúng ta đã dạy quá nhiều về chiến tranh nên đưa văn hóa, khoa học kĩ thuật vào dạy cho người Việt Nam”….
Em Đỗ Gia Ly (lớp 11A7 THPT chuyên Vĩnh Phúc) cho rằng: “Nên đưa vào vì đa số các thầy cô giáo không mấy khi dạy phần đọc thêm và giảm tải dẫn tới học sinh không biết tới sự tồn tại của hai cuộc chiến tranh đó, nhiều học sinh chỉ học và biết những phần trong chương trình thi còn lại thì biết rất ít hoặc không biết. Đây là những mốc lịch sử quan trọng không thể lãng quên, những mốc lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam”.
Bạn Nguyễn Mạnh Cầm (Học viện An ninh nhân dân) chia sẻ: “Với tư cách của một người học sử và đam mê lịch sử, tôi khẳng định việc đưa hai cuộc chiến tranh biên giới vào chương trình giảng dạy là hết sức cần thiết”.
Em Nguyễn Tiến Đức, Học viện sĩ quan Chính trị Hà Nội nêu quan điểm: “Trên phương diện nghiên cứu và học tập môn lịch sử thì phải tôn trọng sự thật lịch sử, bởi vì nó là một phần của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Tất cả mọi người đều có quyền biết sự thật, đặc biệt là thế hệ trẻ như chúng tôi…".
Từ ý kiến trái chiều của số ít (dưới 1%), nhưng tôi thấy sẽ có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra khi không có sự hiểu biết chính xác về cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, cũng như những mất mát đau thương của thể hệ đi trước để đổi lấy nền hòa bình ngày hôm nay.
Hàng vạn thanh niên mới 18, đôi mươi nhưng vẫn anh dũng ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh tư liệu: Báo Quân đội nhân dân. |
Với tư cách của giáo viên dạy Lịch sử tôi khẳng định việc đưa hai cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 vào chương trình giảng dạy là hết sức cần thiết. Tôi xin đưa ra các căn cứ minh chứng cho luận điểm của mình:
Thứ nhất, lịch sử là những gì diễn ra trong quá khứ, cần được phản ánh một cách khách quan, trung thực. Hai cuộc chiến tranh biên giới đều là những sự thật cách đây 40 năm, không phải được dựng lên bởi những trang tiểu thuyết càng không được thêu dệt từ dân gian, nó là cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời cũng là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Bởi vậy, đưa hai sự kiện này vào chương trình giảng dạy, vừa thể hiện sự tôn trọng những nguyên tắc viết sử, vừa phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng thời cũng định hướng cho học sinh tiếp cận một cách khách quan trước các vấn đề lịch sử và tạo nền tảng hình thành nhân sinh quan và thế giới quan tiến bộ cho người học.
Thứ hai, chương trình cải cách giáo dục lần này hướng tới mục đích cao cả là đào tạo toàn diện, phát triển năng lực của người học, lấy người học làm trung tâm. Đào tạo toàn diện không chỉ giảng dạy trên tất cả các nội dung mà còn đảm bảo đầy đủ về mặt kiến thức trong từng môn học.
Đối với lịch sử, sự kiện biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc là hai trong nhiều cuộc chiến tranh của dân tộc. Không đưa hai cuộc chiến tranh này vào chương trình giảng dạy sẽ dẫn tới sự “thiếu hụt về tri thức lịch sử” đối với học sinh phổ thông, cũng như đi ngược lại “triết lý giáo dục” mà nền giáo dục nước ta đang hình thành và theo đuổi.
Thứ ba, hai cuộc chiến tranh biên giới không phải ngẫu nhiên mà có, nó được đánh đổi bằng hàng ngàn, hàng vạn sinh mệnh của cha ông, đồng bào nơi biên thùy bảo vệ núi sông bờ cõi. Tội ác quân thù và tinh thần chiến đấu quả cảm bất diệt của ông cha đã thổi vào lòng yêu nước của thế hệ trẻ ngày hôm nay. Những chứng tích man rợ của kẻ thù và những câu chuyện kể đầy sinh động bởi nhân chứng sống vẫn còn đó. Vậy nên, nếu không ghi nhận sự kiện lịch sử này trong chương trình giáo dục là đi ngược với đặc thù bộ môn.
Thứ tư, không đưa hai cuộc chiến tranh biên giới vào chương trình giảng dạy sẽ tạo ra lòng hoài nghi lịch sử đối với người học. Chính những chỗ trống đó là nơi nảy mầm cơ hội cho các thế lực thù địch kích động, xuyên tạc giá trị lịch sử, kích thích vào trí tò mò của học sinh thông qua các tư tưởng phản động, chống phá...
Việc đưa hai cuộc chiến tranh biên giới vào giảng dạy sẽ giúp học sinh hiểu chuẩn xác về hai cuộc chiến tranh này là hết sức quan trọng và nó là cơ sở pháp lý để các thế lực không thể xuyên tạc lịch sử.
Thứ năm, khi đưa hai sự kiện này vào chương trình giáo dục cần tiếp cận dưới góc độ chiến tranh xâm lược chứ không phải là sự xâm lấn.
Ngoài ra chúng cũng kết hợp với thủ đoạn ngoại giao, bóp méo, xuyên tạc sai sự thật, đưa vấn đề Việt Nam ra công luận quốc tế, hòng hạ thấp vị thế Việt Nam và đẩy thành điểm nóng về ngoại giao khu vực. Hai cuộc chiến tranh xâm lược gây tổn hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản, làm chậm tiến trình xây dựng đất nước của Việt Nam, đẩy Việt Nam vào thế cô lập trong khu vực và thế giới.
Thứ sáu, đưa hai cuộc chiến tranh biên giới vào chương trình giáo dục không phải khơi lại lòng hận thù dân tộc mà là giúp cho các thế hệ càng hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, về nguyên nhân và bản chất vấn đề từ đó có cái nhìn thấu đáo hơn trước mọi diễn biến chính trị ngoại giao trong nước cũng như trên thế giới.
Mặc dù lịch sử dân tộc Việt Nam không bao giờ quên đi tội ác thực dân Pháp và đế quốc Mĩ gây ra, hiện nay trong xu thế toàn cầu hóa quan hệ với các nước đã thay đổi “khép lại quá khứ mở hướng tương lai”.
Thứ bảy, xét trên bình diện ngoại giao, làm sáng rõ hai cuộc chiến tranh biên giới là khẳng định Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng ta chỉ cầm súng khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, Tổ quốc lâm nguy.
Đó là những lý do cần thiết đưa cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vào chương trình giảng dạy lịch sử THPT. Chúng ta học lịch sử để tìm hiểu quá khứ, sống cho hiện tại và hướng tới tương lai.
Lí do cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 xuất hiện sơ sài trong SGK Lịch sử hiện hành
Theo GS Phạm Hồng Tung, nội dung về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 sẽ được đứng ngang hàng với cuộc kháng ... |
Không học thuộc lòng, đây là cách ghi nhớ của nữ sinh giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử 2019
Theo nữ sinh Lê Thị Hiếu Ngân, giải nhất học sinh giỏi quốc gia 2019 môn Lịch sử, học Lịch sử bằng sơ đồ tư ... |
Đưa sự kiện Gạc Ma vào SGK Lịch sử sau 30 năm: Vì sao?
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, sự kiện Gạc Ma ... |
Chương trình môn Lịch sử mới sẽ 'không có vùng cấm'
Chiến tranh biên giới phía Bắc, cải cách ruộng đất cùng nhiều "khoảng trống" khác sẽ được bổ sung trong chương trình Lịch sử phổ ... |