Giữ điểm sàn như những năm trước
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh công bố trước đây, Bộ dự kiến sẽ bỏ điểm sàn cho mùa tuyển sinh 2017, để các trường tự quy định và tự công bố ngưỡng đầu vào của từng trường. Tuy nhiên, dự thảo bỏ điểm sàn lập tức gây nhiều ý kiến khác nhau. Các chuyên gia lo ngại nếu dự thảo được thông qua, việc bỏ điểm sàn đại học sẽ ảnh hưởng chất lượng đầu vào, nhất là với các trường ngoài công lập. Về phía các trường cao đẳng, trung cấp nghề cũng bày tỏ lo lắng trong việc tuyển sinh giữa bối cảnh “người người học Đại học” hiện nay.
Lắng nghe dư luận, Bộ GD & ĐT đã có công bố quy chế tuyển sinh chính thức xác nhận sẽ vẫn công bố điểm sàn chung như năm 2016 trở về trước, không bỏ điểm sàn. Các trường sẽ căn cứ vào kết quả thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, Bộ sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Dự thảo bỏ điểm sàn tuyển sinh 2017 từng nhận nhiều ý kiến khác nhau. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Trước quy chế chính thức của Bộ, nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm tán thành của mình về việc giữ điểm sàn cho mùa tuyển sinh năm nay. Cô Bùi Thị Thùy, giáo viên môn Văn trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP HCM) chia sẻ: “Thiết nghĩ, điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường xây dựng phương án xét tuyển. Việc bỏ điểm sàn sẽ khiến việc đánh giá thí sinh khó hơn, đầu vào Đại học dễ dàng khiến các em không cảm thấy tầm quan trọng của việc cố gắng trong học hành, thi cử, sức học phần nào hạn chế phát huy. Giữ điểm sàn sẽ giúp sàng lọc đáng kể thí sinh để các em ý thức hết mình hơn trong cuộc thi sắp tới”.
Thầy Trần Quốc Việt – giảng viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cũng tán đồng với việc duy trì điểm sàn: “Việc giữ điểm sàn sẽ tốt hơn vì có điểm sàn các trường Đại học lớn khi tuyển vào đánh giá được đúng năng lực học sinh. Bỏ điểm sàn, chỉ xét tuyển dựa vào học bạ THPT e sẽ không phản ánh đúng thực học các em”.
Cũng theo thầy Việt, bên cạnh điểm sàn, nhiều điểm mới của quy chế tuyển sinh năm nay khiến các thầy cô lo lắng cho học sinh của mình: “Thời gian thi các môn năm nay rút ngắn hơn nên phần đông giáo viên đều lo không biết các em có làm tốt được không, các môn thi cùng buổi tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng sẽ khiến các em căng thẳng, những em có độ tập trung tốt mới làm bài tốt được”. Thầy Việt cũng cho biết môn Toán năm nay thi trắc nghiệm, học sinh lo một nhưng giáo viên lo mười vì phải vội vàng dạy các em những cách tính nhanh thay vì tính theo cách tự luận giống trước kia.
“Bỏ hay giữ điểm sàn không quan trọng”
Đó là chia sẻ của nhiều học sinh cuối cấp khi được hỏi về quy chế chính thức của Bộ. T.Nhung, học sinh trường THPT Phước Long (Q.9) cho biết: ““Em và các bạn vẫn muốn bỏ điểm sàn hơn nhưng nếu có giữ điểm sàn thì vẫn không ảnh hưởng nhiều vì khi vào các trường, chúng em phải đủ điều kiện mới được vào học. Với các bạn nộp vào những trường chỉ xét tuyển dựa vào học bạ thì đơn giản hơn, còn nếu có ý định vào những trường thi tuyển riêng như em vẫn phải thi đủ điểm đậu mới có thể vào học”.
Không ít học sinh chia sẻ việc bỏ hay giữ điểm sàn không quan trọng bởi các em vẫn cần đủ điểm mới có thể đáp ứng nhu cầu đầu vào của trường mình muốn học. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Cũng cho rằng điểm sàn không ảnh hưởng nhiều, em Nguyễn Thành Đạt, học sinh THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai) chia sẻ: “Nếu em vào trường tổ chức thi riêng mà thi thiếu điểm thì điểm sàn cũng không có ý nghĩa gì nên để điểm sàn cũng được mà không có cũng được, điểm chuẩn vào mới là vấn đề”. Cũng theo Đạt, điểm mới của quy chế năm nay, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường mới là điều em và các bạn quan tâm nhất. “Chúng em tự tin hơn với cánh cửa Đại học do được nộp nhiều nguyện vọng”, Đạt chia sẻ.
Chuyện giữ hay bỏ điểm sàn cũng không quan trọng với các em có học lực khá, giỏi. Em Đ. Nghĩa, học sinh trường THPT Năng Khiếu TP HCM cho rằng những trường Đại học lớn là điều các em quan tâm và với những học sinh lớp chuyên như Nghĩa, chuyện các em quan tâm sẽ là thi đậu vào những trường nào với số điểm cao bao nhiêu.
Cũng theo quy chế mới chính thức của Bộ, quy định về điểm sàn chung sẽ chỉ áp dụng cho năm 2017. Từ năm 2018, Bộ quy định các trường phải công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng. Căn cứ vào các thông tin công khai về điều kiện trên, các trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho mình.