Hải Phòng có thế mạnh vươt trội hội đủ cả 5 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không - một trong những cửa ngõ quốc tế quan trọng của đất nước, là giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng và là một trong ba cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Tuy có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng như vậy nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, cũng như tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, hạ tầng logistics của Hải Phòng đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển trong nước và thế giới.
Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành Trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và quốc tế. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%; 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 44,07 triệu tấn, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch vụ hàng không cũng được phát triển mạnh mẽ với 11 đường bay nội địa, 4 đường bay quốc tế được khai thác. Các dịch vụ logistics từng bước được quan tâm, có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Đáng chú ý, theo kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019.
Đây là lần thứ ba thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đánh giá, Hải Phòng đã lấy lại được phong độ của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hải Phòng đang đi đầu trong việc hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ của tam giác phát triển kinh tế phía Bắc. Đó cũng là một trong những hạ tầng mềm tạo động lực phát triển.
Định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.
Giai đoạn 2020-2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định.
Hiện nay, động lực phát triển đang dịch chuyển rất mạnh về phía Bắc khi các chuỗi cung ứng và dịch chuyển của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đến các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hải Phòng là tâm điểm của cơ hội đó.
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đầu tư vào lĩnh vực logistics và tăng cường liên kết logistics không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà còn giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đón nhận cơ hội rất lớn cho logistics ở Việt Nam.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế dựa nhiều vào xuất, nhập khẩu nên logistics cảng biển rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 diễn ra, đã làm thay đổi lại nhận thức và chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong việc đầu tư đa dạng hóa và xem đây là một cơ hội rất lớn. Để đón nhận cơ hội này nâng cao năng lực logistics là một điều kiện quan trọng. Với vị trí địa kinh tế chính trị Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm trung chuyển của quốc tế và khu vực trong tương lai.
Với các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 của Chính phủ hiện nay đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường. Do đó, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là yêu cầu tất yếu.
Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của Vùng Bắc bộ và của cả nước.
Thành phố Hải Phòng được phát triển có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; trọng điểm dịch vụ logistics...
Phó Giáo sư.Tiến sĩ Đan Đức Hiệp, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng, logistics Việt Nam nói chung và logistics Hải Phòng nói riêng đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Việc hình thành và phát triển của từng dự án Trung tâm Logistics trên địa bàn thành phố còn ít nhiều mang tính "tự phát", thiếu đồng bộ và không có quy hoạch rõ ràng.
Từng trung tâm được đầu tư chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics mà chưa phối hợp trong định hướng chung, chính sách chung phục vụ cho lợi ích và chính sách kinh tế- xã hội của thành phố hoặc một vùng hay một địa phương.
Bởi vậy, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cũng như Hải Phòng còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Trình độ ứng dụng công nghệ kết nối với mạng logistics toàn cầu còn hạn chế nên thường xuyên thiếu thông tin, phải giải quyết công việc thông qua các đại lý.
Chất lượng nguồn nhân lực logistics chưa cao, tỉ lệ nhân viên qua đào tạo (chủ yếu là tự đào tạo và tự học hỏi kinh nghiệm) mới đạt khoảng 70%, trang thiết bị, phương tiện vận tải, kho bãi chỉ ở mức 30-40% còn lại phải thuê ngoài để phục vụ khách hàng.
Theo Phó Giáo sư.Tiến sĩ Đan Đức Hiệp, để đáp ứng yêu cầu hình thành "Trung tâm dịch vụ Logistics quốc gia" cũng như hình thành "Trung tâm Logistics quốc tế hiện đại", Hải Phòng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển logistics, các dự án Trung tâm Logistics tập trung, có quy mô lớn, tại các khu công nghiệp có diện tích cần thiết, phù hợp cho khu dịch vụ logistics.
Cần quan tâm đến tính đồng bộ giữa quy hoạch của cảng và hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống dịch vụ hậu cần, dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics. Đặc biệt Hải Phòng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp mạnh có năng lực hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics cảng để đầu tư phát triển loại hình dịch vụ logistics tại Hải Phòng.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tiến sĩ Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics Corporation chia sẻ: "Nhìn vào định hướng cải cách quản lý, chúng ta đã từng nói rất nhiều về thực trạng và giải pháp; trong đó xoay quanh các giải pháp cốt lõi về nhân lực, vật lực, tài chính, cơ chế chính sách và công nghệ.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng, mọi sáng kiến cải cách cần được thực hiện đi vào thực chất chứ không nên mang tính cơ học, với mục tiêu là cắt giảm chi phí, thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và từ đó là hướng tới mục tiêu lớn hơn là cắt giảm tổng chi phí của chuỗi dịch vụ logistics, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh về logistics cho địa phương và cho quốc gia."
Hải Phòng là thành phố hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông và điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm logistics tầm khu vực, tuy nhiên đứng trên góc độ doanh nghiệp Tiến sĩ Đinh Hữu Thạnh cho rằng Hải Phòng cần tiếp tục đầu tư cho kết nối hạ tầng, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường bộ đồng bộ, hiện đại và thuận tiện hơn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và dịch vụ công điện tử.
Cùng đó, Hải Phòng cần thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động trung chuyển hàng hoá qua cảng Hải Phòng thông qua việc đề ra các chính sách và phương pháp quản lý hiện đại, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, thúc đẩy tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hoá nhanh, hạn chế kiểm tra thực tế với hàng trung chuyển trừ khi có bằng chứng gian lận rõ ràng.
Thành phố cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội vươn ra nước ngoài, thông qua các ưu đãi về thuế và vốn vay; cần có chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có hoài bão xây dựng dịch vụ và cạnh tranh toàn cầu từ đó góp phần nâng tầm doanh nghiệp logistics nội điạ.