Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.
Giai đoạn 2020 - 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan…
Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hải Phòng sẽ phát triển 6 trung tâm logistics, diện tích 261 ha. Hiện thành phố đang có hai trung tâm logistics đã hoạt động là trung tâm Logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN Đình Vũ) và một trung tâm logistics đang xây dựng là trung tâm CDC (KCN Đình Vũ 2).
Đánh giá tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho rằng, hạ tầng logistics của thành phố đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư và có bước phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2; hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển; hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển.
Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%, dịch vụ hàng không cũng phát triển với 11 đường bay nội địa, 4 đường bay quốc tế. Các dịch vụ logistics đã từng bước phát triển về cả số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhận định, những kết quả đạt được chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố: Hải Phòng chưa có trung tâm logistics, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ…
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc.
Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Để sớm hiện thực hoá thành phố trở thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế, ông Lộc cho rằng Hải Phòng cần sớm lập quy hoạch kết nối đường sắt đến các bến cảng, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục hành chính; mở rộng thị trường, hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp dịch vụ logistics với chủ hàng; đẩy mạnh liên kết vùng, tạo sự liên kết ngang giữa Hải Phòng với các địa phương.
Đóng góp tại hội nghị, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, TP Hải Phòng cần nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển - cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu; cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics…
Theo ông Hans Kerstens, Giám đốc về phát triển kinh doanh quốc tế của Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, hoạt động sản xuất công nghiệp tập trung tại các KCN có vị trí gần cảng biển sẽ giảm chi phí logistics nội địa và thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Để giải bài toán logistics đến từ sự dịch chuyển thì hạ tầng logistics Hải Phòng cần được đầu tư và nâng cấp thêm đáng kể để có thể hấp thụ được dòng vốn FDI đang ngày càng tăng.
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 về phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Xác định rõ đến năm 2025 TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia.
Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…