Vẫn chờ 4,1 triệu m3 đất đắp
4,1 triệu m3 đất chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác đồng nghĩa với việc nhiều dự án của cao tốc Bắc – Nam vẫn đang phải thi công trong trạng thái cầm chừng để chờ nguồn đất đắp nền.
Riêng tỉnh Bình Thuận còn ba mỏ đất với tổng trữ lượng 1,34 triệu m3 hoàn thành việc cấp phép nhưng chưa được khai thác do đang hoàn tất các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường.
Yêu cầu của Chính phủ là phải hoàn thành 361 km đường cao tốc trong năm nay, gồm các đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây để bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành 2.500 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đạt gần 100%, tuy nhiên, cả 4 dự án thành phần nói trên đều đang nằm trong tình trạng thiếu đất đắp nền nghiêm trọng.
Cụ thể, đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 (tỉnh Ninh Bình) thiếu 0,4 triệu m3, đoạn Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) thiếu khoảng 0,8 triệu m3, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn Ninh Thuận): thiếu khoảng 2 triệu m3, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết Bình Thuận) thiếu khoảng 0,9 triệu m3.
Trong công điện mới đây, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu còn lại theo quy định đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thi công dự án.
Riêng đối với địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vật liệu đất đắp nền đường cung cấp cho đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành trong tháng 4 này.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, sản lượng xây lắp 4 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành năm 2022 trung bình đạt 53,4% giá trị hợp đồng; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 31,6% giá trị hợp đồng; hai dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 6,4% giá trị hợp đồng.
Tiến độ xây lắp của dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45 đạt hơn 57% và Cam Lộ - La Sơn gần 82%, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Các hạng mục công trình lớn trên công trường đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 như hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi, cầu Núi Đọi và toàn bộ nền đường đã dần được hình thành.
Về cơ bản, các dự án đều đáp ứng kế hoạch, tuy nhiên, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 12,2% giá trị hợp đồng và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây chậm 0,47% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Một trong các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là việc nguồn vật liệu đắp nền đường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Ninh Bình chỉ đạo thực hiện, xử lý hồ sơ cấp phép mỏ vật liệu của các sở, ngành liên quan.
Bộ Giao thông vận tải được giao tổ chức làm việc trực tiếp tại công trình với các Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công để làm rõ các vướng mắc và chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ vật liệu để đáp ứng tiến độ thi công hạng mục nền đường, là hạng mục quyết định đến tiến độ của toàn dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xem xét kiến nghị của các địa phương để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật liệu đắp nền đường.
Đồ họa: Alex Chu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cụ thể, chi tiết đối với các mỏ vật liệu xây dựng và các thủ tục liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng khẩn trương thống nhất thỏa thuận hướng tuyến của đoạn Hậu Giang - Cà Mau, chậm nhất trong tháng 4 để Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án thành phần này.
Bộ Giao thông vận tải rà soát tiến độ theo đường găng đến ngày 30/6 phải hoàn thành phê duyệt các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021-2025); bàn giao mốc mặt bằng đối với phần còn lại cho địa phương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/5.
Các dự án thuộc giai đoạn này dự kiến sẽ được khởi công đồng loạt trong năm 2022.
Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành. Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công; được chia thành 12 dự án thành phần; cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.