Đối với những căn nhà có diện tích khiêm tốn hoặc bị hạn chế về đất trồng, bạn có thể áp dụng cách làm dưới đây để thiết kế vườn rau tại nhà tiện lợi cho gia đình mình:
Vị trí bạn chọn để làm vườn rau phải là nơi nhận được lượng ánh sáng mặt trời vừa đủ để cây trồng phát triển. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện về ánh sáng, phần lớn các loại rau đều khó có thể tươi tốt và đạt đến độ sinh trưởng cần thiết. Chính vì vậy, vị trí hợp lý trong nhà để trồng rau là những nơi gần cửa sổ ở nhà bếp, phòng khách, gác xép hay một khu vực nhỏ ngoài hiên. Song, cũng có một số loại rau, củ có thể sinh trưởng được trong điều kiện bóng râm. Do đó, bạn có thể chọn cách phân tách không gian trồng rau của mình ra làm nhiều khu vực khác nhau, tương ứng với những loại rau có cùng tính chất và đặc điểm sinh học.
Lưu ý, khi chọn vị trí để đặt các chậu rau xanh, bạn cần ưu tiên chọn những nơi có bề mặt bằng phẳng, không gồ ghề hay bị nghiêng sang một phía. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo bằng cách tái chế lại chai, lọ cũ để “treo” rau lên thanh cửa sổ hay các khung gỗ chắc chắn. Đây là một trong những cách thiết kế vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm không gian, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi xem xét vị trí mà mình có thể thiết lập vườn rau trong nhà, bước tiếp theo là bạn cần xác định được những loại rau nào thích hợp ở những vị trí đó. Tùy vào loại rau mà bạn có thể mua hạt giống hoặc những loại cây giống bán sẵn để trồng.
Đối với các loại rau lấy củ như củ cải, cà rốt, khoai lang, khoai tây…, điều kiện sinh trưởng lý tưởng nhất là ở nơi có một phần ánh sáng mặt trời và một phần bóng râm. Trung bình, những giống thực vật này chỉ cần được mặt trời chiếu sáng nửa ngày là đã đảm bảo phát triển tốt. Do đó, bạn hoàn toàn có thể yên tâm trồng những loại cây này ở trong nhà trong mùa dịch.
Trong khi đó, các loại rau ăn lá như rau cải, rau ngót, rau xà lách, cải cầu vồng,… thường rất thích hợp để trồng ở những nơi có bóng râm và nguồn sáng yếu ớt. Trên thực tế, những loại thực vật này khi được trồng dưới bóng mát và được chăm sóc kỹ lưỡng sẽ phát triển một cách vô cùng tươi tốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc trồng các loại nguyên liệu nấu ăn khác để đa dạng khu vườn của mình, điển hình như ớt, hành, hẹ, bạc hà, sả, ngò, húng quế, nguyệt quế, kinh giới, mùi tây,...
Có nhiều cách khác nhau để trồng rau ngay trong nhà mà không cần dùng cách tách luống giống như ngoài vườn. Đơn giản nhất, bạn có thể dùng những chậu cây cảnh thông thường làm từ chất liệu nhựa, nhôm, sứ hay thậm chí là thủy tinh để trồng rau. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, các loại chai nhựa có kích thước lớn cũng có thể được tận dụng để trồng rau sạch trong nhà theo cách vô cùng sáng tạo. Đặc biệt, với những loại rau bạn muốn trồng với số lượng lớn, bạn có thể dùng những chiếc thùng xốp và xem đó như một khoảnh đất nhỏ để gieo trồng.
Khi chọn dụng cụ trồng rau, bạn cần quan tâm đến điểm thoát nước để tránh được tình trạng ngập úng cho cây trồng. Ngoài ra, nếu được cung cấp lượng nước vừa đủ, độ ẩm và chất dinh dưỡng trong đất cũng sẽ bổ trợ hiệu quả để cho rau phát triển một cách tốt nhất. Để làm được điều đó, bạn cần chọn những chậu có sẵn lỗ tròn nhỏ bên dưới hoặc có thể tự tạo những lỗ thoát nước một cách thủ công. Ở những vị trí đặt chậu rau, bạn cần bổ sung thêm một chiếc đĩa lót hoặc một mảnh vải nhỏ để thấm nước, giúp bảo vệ bề mặt sàn của khu vực đó.
Một giải pháp tối ưu cho những gia đình không có đất trồng rau đó là mua đất ở bên ngoài về và sau đó cho vào các dụng cụ trồng của mình. Đó có thể là loại đất hoàn toàn tự nhiên, cũng có thể là loại đã trộn qua phân bón để điều hòa độ chua của đất và bổ sung thêm chất dinh dưỡng để nuôi cây trồng. Trước khi gieo trồng, bạn nên dùng xẻng nhỏ vun xới để làm đất tơi xốp, giúp đất được thoáng khí để rễ cây có chỗ phát triển.
Sau khi đã có đất, bạn sẽ bắt tay vào gieo hạt giống hoặc trồng cây con tùy vào loại rau. Chú ý, trong bước đầu tiên, bạn cần tưới một lượng nước vừa đủ để hạn chế tình trạng xói mòn và làm lệch vị trí hạt đã gieo. Sau đó, hãy đảm bảo tưới nước thường xuyên theo ngày để cây trồng phát triển một cách tốt nhất.
Một mẹo hay khi trồng rau trong nhà là luân canh cây trồng của bạn bằng cách không trồng cùng một loại rau ở cùng một nơi trong thời gian dài. Điều này sẽ góp phần ngăn ngừa sâu bệnh hại có thể xuất hiện từ một số loại rau nhất định.
Chăm sóc rau là một trong những giai đoạn quan trọng để có thể thu hoạch được rau, củ với số lượng và chất lượng như ý. Bên cạnh việc tưới nước đều đặn, bạn cũng cần bổ sung phân bón khi cần thiết. Đó có thể là phân bón vô cơ mua sẵn hoặc phân bón hữu cơ mà bạn tự làm từ phân động vật, chất khoáng, than bùn hay lá cây. Phân hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn duy trì được độ màu mỡ, tươi tốt của đất.
Thêm vào đó, bạn cũng cần bổ sung một lớp mùn hữu cơ có độ dày phù hợp lên phía trên bề mặt của đất trồng. Cách làm này giúp hạn chế cỏ dại sinh sôi lấn át rau, củ và tạo điều kiện cho cây phát triển mạnh mẽ hơn.
Tùy vào loại rau mà có thời gian thu hoạch khác nhau, thường thấp nhất là 20 ngày và cao nhất là 50 ngày. Chính vì vậy, điều bạn cần làm là chăm sóc vườn rau của mình theo cách khoa học nhất để có thể thu được nguồn rau sạch về lâu dài cho cả gia đình.