Sáng 4/10, HĐND TP Hà Nội đã thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024, danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, HĐND nhất trí điều chỉnh giảm 3 dự án thu hồi đất với diện tích 0,53ha; điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi tại 12 dự án với diện tích 59,91ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 6 dự án với diện tích 100,84ha; bổ sung diện tích đất trồng lúa tại 43 dự án với diện tích 216,38ha; điều chỉnh tên dự án, quy mô dự án, mã loại đất, căn cứ pháp lý thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi) tại 9 dự án.
Đồng thời, HĐND TP đồng ý bổ sung danh mục 73 dự án thu hồi đất năm 2024 với tổng diện tích 98,59ha; bổ sung danh mục 6 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với diện tích 8,67ha.
HĐND giao UBND Thành phố thực hiện dự án đảm bảo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định, không để xảy ra khiếu nại phức tạp gây mất trật tự xã hội.
Đối với kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, HĐND thống nhất, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thông qua, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2024 của HĐND TP; các dự án sử dụng ngân sách cấp quận, huyện, thị xã do quận, huyện, thị xã bố trí; các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng năm 2024.
HĐND giao UBND chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung liên quan đến dự án, sự thống nhất giữa hồ sơ và thực địa; đảm bảo đủ căn cứ, đúng đối tượng, tiêu chí, đúng thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi thực hiện trong năm 2024; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, HĐND về việc quyết định thực hiện dự án và tổ chức thực hiện dự án theo quy định; thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật.
Chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 2 dự án tại Sóc Sơn, Chương Mỹ
Cũng trong sáng 4/10, HĐND TP. Hà Nội đã phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án: Mở rộng, cải tạo xây dựng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tại xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) và Khu bảo tồn thuộc khu vực IV Khu du lịch - Văn hóa Sóc Sơn tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn).
Cụ thể, mở rộng, cải tạo xây dựng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tại xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) có tổng diện tích chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 7,27ha.
Địa điểm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là xã Thủy Xuân Tiên; vị trí thuộc khoảnh 1 của tiểu khu 10045 trên địa giới hành chính xã Thủy Xuân Tiên. Chức năng rừng là rừng phòng hộ, thuộc loại rừng trồng với loài cây keo, bạch đàn trồng thuần loài và hỗn giao keo, bạch đàn.
Dự án Khu bảo tồn thuộc khu vực IV Khu du lịch - văn hóa Sóc Sơn tại xã Phù Linh(huyện Sóc Sơn) có tổng diện tích chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 5,82ha. Địa điểm tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), vị trí thuộc khoảnh 1 của tiểu khu 400 trên địa giới hành chính xã Phù Linh. Chức năng rừng phòng hộ với loại rừng trồng cây thông và keo.
HĐND giao UBND Thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung liên quan đến chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, sự thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, tuân thủ đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, chỉ thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khi đảm bảo đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định, không để xảy ra khiếu nại phức tạp gây mất trật tự xã hội.