Hà Nội: Các quận đề xuất tưới nước rửa đường để giảm ô nhiễm không khí

Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí dịp cuối năm, lãnh đạo các quận của TP Hà Nội đề xuất với UBND TP Hà Nội cho xe tưới nước rửa các trục đường chính.

Chiều ngày 18/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp đôn đốc các sở ngành, quận huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội mời tất cả công ty vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đến dự cuộc họp để đưa ra các giải pháp làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường.

Năm 2019, Hà Nội có 6 đợt ô nhiễm không khí

Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, môi trường là vấn đề lớn, không phải ngày một ngày hai là có thể làm được ngay. Theo ông Chung, đây là vấn đề cần có giải pháp bền vững, đòi hỏi ngân sách lớn và mình TP Hà Nội thì không thể giải quyết được.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.

“Đợt ô nhiễm không khí trên địa bàn cao điểm nhất là trong tháng 12 (từ ngày 8-14/12). Chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu”, ông Định nói.

Hà Nội: Các quận đề xuất tưới nước rửa đường để giảm ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi họp

Ông Định đưa ra 12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua. Cụ thể, theo ông Định, điều kiện khí hậu cực đoan (lượng mưa ít, ít gió) cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn vừa qua còn do khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ…

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đồng thuận với báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP. Đặc biệt, ông Tùng nhấn mạnh các công trình xây dựng nhà ở và đại công trình xây dựng dịp cuối năm làm ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Theo Đại tá Tùng, các chủ đầu tư công trình xây dựng không có ý thức bảo vệ môi trường, không làm hết trách nhiệm để hạn chế ô nhiễm môi trường.

“Khi làm đường, đơn vị thi công không cho hút bụi mà lại dùng máy thổi bung lên trời gây ô nhiễm không khí”, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nói và cho biết, trong quý 4 năm 2019, lực lượng chức năng đã xử lý 323 ô tô đánh rơi vãi vật liệu xây dựng, 120 xe quá tải.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng TP Hà Nội đã xử lý rất nhiều các công trình xây dựng và phương tiện vận tải phát thải bụi ra môi trường. Tuy nhiên, sau 22h hàng ngày, từ đường Vành đai 3 trở ra ngoại thành, các phương tiện chạy gây bụi mù mịt.

“Công ty cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nhiều phương tiện gây bụi. Tuy nhiên, căn cứ chức năng nhiệm vụ chúng tôi chỉ chụp ảnh gửi báo cáo thôi, trong khi tình trạng vi phạm diễn ra thường xuyên, liên tục, khiến các cơ quan chức năng không xử lý xuể. Do vậy, chúng tôi đề nghị TP tăng cường kiểm soát nguồn phát thải bụi”, ông Tiến nói.

Tưới nước rửa đường giảm bụi

Để giảm ô nhiễm không khí dịp cuối năm, ông Nguyễn Hữu Tiến đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra chỉ thị vào thứ Bảy và Chủ nhật tuần này cả 30 quận huyện tổ chức tổng vệ sinh, trong đó có việc tăng cường quét, hút bụi và rửa các tuyến đường.

Về giải pháp để giảm ô nhiễm không khí, ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa đề cập đến việc dùng xe tưới nước rửa đường 2-3 lượt/tuần đối với các tuyến phố chính.

Cùng vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận này được TP cho thí điểm rửa đường (1 lần/tuần) với các tuyến đường Giải Phóng, Nghiêm Xuân Yêm đã giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm không khí.

Hà Nội: Các quận đề xuất tưới nước rửa đường để giảm ô nhiễm không khí - Ảnh 2.

Các quận của TP Hà Nội đề xuất tăng tần suất xe tưới nước rửa đường giảm ô nhiễm cuối năm

Cũng liên quan đến vấn đề tưới nước rửa đường, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, vào thời điểm hanh khô TP có thể điều chỉnh tăng tần suất cho phù hợp với điều kiện thực tế. “Đây có thể là giải pháp cho việc giảm bụi trên địa bàn TP”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng thuận với phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ ngày một ngày hai có thể giải quyết được, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí.

Ông Tài đưa ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội đó là hoạt động giao thông, đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, nhà máy xi măng và công trình xây dựng.

“Từ năm 2017 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí có xu hướng tăng lên, vì công trình xây dựng tăng, phương tiện giao thông cũng nhiều hơn. Trong một ngày, trên địa bàn TP cũng có 2 thời điểm ô nhiễm cao hơn đó là vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều”, ông Hà nói và cho biết, Tổng Cục môi trường sẽ cùng TP Hà Nội nghiên cứu đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như tăng cường công tác dự báo.

Phát biểu kết luận buổi họp, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các xe ô tô chở vật liệu xây dựng, chở rác không che chắn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ông Chung đề nghị phương án sử dụng xe chuyên dụng chở rác thải để tránh ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, ông Chung cũng đề nghị các sở ngành, quận huyện làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường. Ông Chung cũng yêu cầu các công ty môi trường làm nghiêm túc hơn nữa trong việc thu gom rác thải...

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.