Hà Nội còn hơn 47 tỷ USD vốn FDI còn hiệu lực

Tính đến thời điểm hiện nay, có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào TP Hà Nội với tổng số vốn còn hiệu lực là 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt khoảng 28,5 tỷ USD.
Hà Nội còn hơn 47 tỷ USD vốn FDI còn hiệu lực - Ảnh 1.

Tính đến nay, Hà Nội còn hơn 47 tỷ USD vốn FDI còn hiệu lực. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết thực hiện Quyết định số 03 ngày 14/1/2014 và Quyết định số 26 ngày 8/6/2012, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc xúc tiến đầu tư trên địa bàn TP.

Theo đó, về kết quả thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, từ năm 1989, TP Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến nay, vốn đầu tư còn hiệu lực là 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt khoảng 28,5 tỷ USD.

Phân theo đối tác đầu tư, hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào TP Hà Nội. Phân theo ngành nghề, hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36,5%; tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo 33,43%; thương mại và dịch vụ 24,56%; thông tin và truyền thông 5,32%; nông, lâm nghiệp 0,19%. 

Trong số các dự án còn hiệu lực, có 5.879 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn đăng ký là 31,26 tỷ USD; 385 dự án trong các khu công nghiệp với số vốn đăng kí là 6,76 tỷ USD và 14 dự án trong khu công nghệ cao Hòa Lạc với số vốn đăng kí 880 triệu USD.

Cũng theo báo cáo, Hà Nội hiện đứng thứ hai trên cả nước với 19,42% số dự án; 10,2% vốn đầu tư đăng ký và 8,4% vốn giải ngân so với cả nước. Vốn thực hiện lũy kế đạt 28,520 tỷ USD (đạt 60,03% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực). 

Trong hai năm (2018 và 2019), TP Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 7,5 tỷ USD (năm 2018) và 8,6 tỷ USD (năm 2019).

Năm 2017 có 136 dự án đăng ký đầu tư vào Hà Nội, năm 2018 có 167 dự án và năm 2020 có 282 dự án.

Trước đó, tháng 9/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ giao thẩm quyền cho Hà Nội thực hiện điều chỉnh đối với các dự án có qui mô vốn trên 5.000 tỉ đồng.

Cụ thể, Dự án trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây do công ty TNHH THT làm chủ đầu tư xin đề nghị chuyển nhượng ba dự án thành phần. Dự án này có diện tích sử dụng 207 ha, với vốn đầu tư hơn 314 triệu USD, được cấp phép từ năm 2008.

Tiếp theo là dự án công viên Yên Sở và Dự án Khu đô thị C2 – Công viên Yên Sở, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đề xuất chuyển nhượng một dự án thành phần.

Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long cũng đề nghị được chuyển nhượng 3 dự án thành phần trong khu đô thị Nam Thăng Long.

Đối với dự án Lottemall Hà Nội, Công ty TNHH Lotte Properties Hà Nội đề nghị điều chỉnh quy mô và điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án là 50 năm.

Tại dự án TP công nghệ xanh, chủ đầu tư Tập đoàn Blemheim đề nghị điều chỉnh tiến độ triển khai do dự án đang đền bù giải phóng mặt bằng.

Cuối cùng là Khu đô thị Thành phố thông minh ở Đông Anh do CTCP Đầu tư và Phát triển TP thông minh Bắc Hà Nội làm chủ đầu tư, qui mô 272 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỉ USD. Hiện TP Hà Nội đang xem xét điều chỉnh qui hoạch chung và qui hoạch phân khu tại khu vực dự án.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.