'Quán quân' FDI Hàn Quốc tại Việt Nam: Rót hơn 70 tỉ USD, gần 9.000 dự án, nhiều đại doanh nghiệp góp mặt

Dù Singapore vươn lên đứng thứ nhất về FDI tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 nhưng xét về đường dài, Hàn Quốc mới thực sự là "ông trùm".

Tăng trưởng bền vững và thần tốc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, Hàn Quốc vẫn là quốc gia rót vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng kí khoảng 70,4/381,2 tỉ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư trên cả nước).

Trong giai đoạn từ 2010 đến 10 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc nhiều lần giữ vị trí quán quân trong cuộc đua FDI tại Việt Nam. 

Có thể nhận thấy sự tăng trưởng rõ rệt của dòng vốn Hàn Quốc từ khoảng 30% (năm 2010) lên khoảng 67% (năm 2017). Năm 2019, Hàn Quốc dẫn đầu mức vốn rót vào nước ta, với 7,92 tỉ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư.

10 tháng đầu năm 2020, dòng vốn Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tương đương 3,42 tỉ USD, chiếm 14,6% tổng vốn, đứng sau Singapore.

Quán quân FDI Hàn Quốc - Ảnh 1.

(Nguồn: Nhật Minh tổng hợp từ Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Sự tăng trưởng của dòng vốn Hàn Quốc cũng thể hiện ở số dự án của quốc gia này ở Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2010 – 2020, từ khoảng 2.650 dự án lên khoảng 8.934 dự án.

Trong khi lũy kế đến tháng 10 năm nay, số dự án của Nhật Bản chỉ khoảng hơn 4.600, của Trung Quốc khoảng gần 3.100, của Đài Loan khoảng 2.700 còn của Singapore khoảng 2.500.

Tổng mức vốn FDI đăng kí hàng năm, xét riêng các quốc gia Đông Bắc Á, cũng cho thấy sự vượt trội của dòng vốn Hàn Quốc. Từ năm 2010 đến 10 tháng đầu năm nay, vốn Hàn Quốc tăng gấp 3,2 lần, từ 22,1 tỉ USD lên khoảng 70,4 tỉ USD.

Theo sau là Nhật Bản (lũy kế đến tháng 10/2020 đạt 60 tỉ USD), Singapore (55,7 tỉ USD), Trung Quốc (18 tỉ USD), Đài Loan (33 tỉ USD).

Dù 10 tháng đầu năm 2020, Singapore đang vượt Hàn Quốc về dòng vốn FDI tại Việt Nam, nhưng qua các số liệu thống kê dài hạn cho thấy Hàn Quốc mới là “ông trùm”, với sự tăng trưởng bền vững và ổn định. Vốn Hàn Quốc tập trung vào điện tử, bất động sản, sản xuất kim loại, dệt may, hóa chất.

Những "đại bản doanh" tại Việt Nam

Nhiều năm trước, những tên tuổi lớn của Hàn Quốc như Samsung, Tập đoàn CJ, KB Financial Group (KBFG),… tiến vào Việt Nam một cách từ tốn thì thời gian gần đây, dòng vốn từ Hàn đã chuyển hướng mạnh mẽ. 

Việt Nam là "đại bản doanh" của một số doanh nghiệp Hàn Quốc lớn như LG Electronics, Lotte, Huyndai, Daewon, Shinhan Financial Group,...

'Quán quân' FDI Hàn Quốc tại Việt Nam: Rót hơn 70 tỉ USD, gần 9.000 dự án, nhiều đại doanh nghiệp góp mặt - Ảnh 2.

Samsung tại Thái Nguyên. (Ảnh: Samsung).

Trong đó, Samsung đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam thập niên qua với tổng vốn 17,3 tỉ USD. Đồng thời, Việt Nam đã trở thành cứ địa sản xuất lớn nhất của tập đoàn này tại nước ngoài.

Sau 12 năm sang Việt Nam, Samsung đã đầu tư 6 nhà máy và trung tâm R&D tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, tạo hơn 13.000 việc làm. 

Năm ngoái, các công ty con của Samsung ở nước ta ghi nhận doanh thu gần 1,6 triệu tỉ đồng (tương đương 70 tỉ USD), lợi nhuận ròng trên 103.000 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu của Samsung tại Việt Nam năm 2019 gấp 2,1 lần PVN, gấp 4 lần EVN và tương đương 26% GDP cả nước.

Khi nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia bắt đầu dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Đích họ hướng đến là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hàn Quốc cũng không nằm ngoài làn sóng này.

Theo thông tin từ Tạp chí Tài chính, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Hai ông lớn viễn thông Hàn Quốc Ace Technologies và KMW của Hàn Quốc, nhà cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu Ericsson và Nokia đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, sau khi giảm dần các hoạt động tại Trung Quốc. Samsung chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối tháng 11.

Với các nhà đầu tư ngoại nói chung và Hàn Quốc nói riêng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Đó là chi phí lao động thấp, giá đất tương đối rẻ, mức thuế doanh nghiệp ưu đãi,… Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng hậu đại dịch Covid-19 thì các nhà đầu tư muốn dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng tốt, ổn định, công nghệ phát triển nhanh - "mảnh đất hứa" phát triển các dịch vụ tài chính công nghệ - một trong những điểm mạnh của các nhà đầu tư Hàn Quốc.


chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.