FDI vào Việt Nam tăng 88 tỉ USD, với hơn 10.000 dự án sau 5 năm

Sau 5 năm, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 23%, từ 293,2 tỉ USD lên 381,2 tỉ USD, cùng 10.268 dự án được tăng thêm. Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu những quốc gia rót nhiều vốn đầu tư vào Việt Nam nhất.

Trong hơn 33 năm qua, khi Việt Nam chủ động mở cửa hội nhập nền kinh tế thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo một số địa phương trên cả nước. Khu vực FDI ngày càng phát triển và trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, từ 2016 đến hết 10 tháng đầu năm 2020, FDI vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng rõ rệt.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 20/10/2020, cả nước có 32.777 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí khoảng 381,2 tỉ USD. 

Như vậy, so với năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng khoảng 23%, đạt mức 88 tỉ USD, từ 293,2 lên 381,2 tỉ USD. Số lượng dự án tăng từ 22.509 lên 32.777, tăng 10.268 dự án (31%).

FDI vào Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau 5 năm? - Ảnh 1.

(Nguồn tổng hợp từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

FDI vào Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau 5 năm? - Ảnh 2.

(Nguồn tổng hợp từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trong 138 quốc gia rót vốn vào nước ta, Hàn Quốc vẫn là giữ vai trò là "vua FDI" tại Việt Nam với tổng mức đầu tư đạt 70,4 tỉ USD qua 8.934 dự án. Nhật Bản và Singapore đứng vị trí số hai và ba với tổng số vốn lần lượt là 59,9 và 55,7 tỉ USD. Tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông, British Virgin Islands, Trung Quốc,...

Hiện tại, 63 tỉnh thành của Việt Nam đều đã ghi nhận dấu ấn của các dòng vốn FDI. Trong đó, TP HCM vẫn tiếp tục dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài với 9.826 dự án, tổng vốn đăng kí khoảng 47,9 tỉ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo sau là Hà Nội (35,9 tỉ USD), Bình Dương (35,2 tỉ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (32,7 tỉ USD), Đồng Nai (31,5 tỉ USD), Bắc Ninh (19,8 tỉ USD),...

Các dự án lớn tỉ USD đầu tư vào Việt Nam có thể kể đến như Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu do Singapore rót vốn khoảng 4 tỉ USD; các dự án đầu tư của tập đoàn Samsung (Hàn Quốc); Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỉ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội năm 2019; Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng kí 1,5 tỉ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư,...

FDI góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế khi hiện gần 60% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, công nghệ thông tin.

Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đăng kí khoảng 150 đến 200 tỉ USD.

FDI vào Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau 5 năm? - Ảnh 3.

(Nguồn tổng hợp từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

FDI vào Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau 5 năm? - Ảnh 4.

(Nguồn tổng hợp từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

 

chọn
Bộ TN&MT đã chuẩn bị những gì để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/5), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cung cấp thông tin liên quan đến việc chuẩn bị để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.