Thông tin trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo kết quả hoạt động về thị trường bất động sản và nhà ở 2024. Bộ cho biết nhiều địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng tiến độ khởi công và triển khai còn rất chậm.
Ví dụ, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có 28 dự án với gần 23.000 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chỉ có 4 dự án được cấp phép. Riêng năm ngoái, chỉ có một dự án được cấp phép với 600 căn.
Tương tự, TP HCM cũng chỉ có một dự án với 1.500 căn được cấp phép trong năm 2024. Giai đoạn 2021-2025, thành phố có 52 dự án với hơn 56.000 căn được chấp thuận chủ trương, song đến nay mới cấp phép 6 dự án với gần 4.400 căn.
Một số địa phương ít chấp thuận chủ trương dự án mới dù nhu cầu lớn. Đơn cử, Bắc Ninh có mục tiêu hoàn thành 30.700 căn đến 2025, đến nay đã đạt 58% nhưng không có dự án được chấp thuận chủ trương mới. Tương tự, Quảng Ninh mới đạt 32% chỉ tiêu đến 2025 nhưng cũng chưa chấp thuận thêm dự án mới.
Nhiều tỉnh, thành có kết quả triển khai, hoàn thành nhà xã hội thấp so với chỉ tiêu đề án xây một triệu căn như Thái Nguyên (đạt 12%), Hà Tĩnh (10%), Vĩnh Phúc (5%), Long An (2%)... Thậm chí một số tỉnh chưa có dự án nào như Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Binh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bạc Liêu...
Bộ cũng nêu nhiều địa phương chỉ đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhà xã hội mà không có chỉ tiêu cụ thể như TP HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...
Theo đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn. Đến nay, các địa phương mới hoàn thành gần 20.300 căn tại 28 dự án, tương ứng khoảng 16% kế hoạch.
Việc thực hiện gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho loại hình nhà ở này cũng hạn chế. Đến nay mới có 17 dự án được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng hơn 4.000 tỷ đồng, dư nợ 2.360 tỷ.
Nhìn nhận diễn biến trên, Bộ Xây dựng cho biết chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh để thu hút thêm chủ đầu tư xây nhà xã hội. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn khó khăn đồng thời thiếu nguồn vốn ưu đãi cho phân khúc này. Nhiều chính sách tháo gỡ nhà ở xã hội mới có hiệu lực được 5 tháng, kể từ ngày 1/8/2024, nên chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Trước đó, tại báo cáo về thị trường bất động sản, Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá việc triển khai nhà ở xã hội còn bị động do nguồn vốn ngân sách chưa bố trí thỏa đáng. Vì thế, phần lớn dự án xây bằng nguồn vốn ngoài nhà nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xây dựng. Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp không mặn mà việc xây nhà cho công nhân.
Cùng với đó, nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập, chủ yếu phụ thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, giai đoạn 2015-2023, chỉ có 18 trên 63 tỉnh thành bố trí quỹ đất độc lập làm nhà xã hội và 35 địa phương bố trí quỹ 20% trong dự án nhà thương mại. Điều này dẫn đến chưa đảm bảo nguồn cung, ảnh hưởng đến giá bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hội.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn, đầu tháng 12/2024, Chính phủ đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Tiêu chí, điều kiện vay của gói áp dụng theo Nghị định 100/2024. Theo đó, người dân được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng. Mức lãi suất được Thủ tướng quy định, chẳng hạn hiện mức này là 6,6% một năm. Thời hạn vay tối đa 25 năm.