Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày khai thác thương mại. (Ảnh: Di Linh).
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đã chủ trì phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành.
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, ngành GTVT đã hoàn thành thêm 4 công trình gồm: cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hòa Lạc - Hòa Bình; Pháp Vân - cầu Giẽ (giai đoạn 2), nâng tổng số các công trình trọng điểm hoàn thành lên 23 công trình.
Bên cạnh đó, hiện nay, các công trình, dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đơn cử như Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang vận hành, chạy thử để tiến tới chạy thương mại trong 2019; đã thông xe hầm Cù Mông thuộc tổ hợp hầm Đèo Cả trong tháng 1/2019; hoàn thành một số dự án thành phần của dự án đường Hồ Chí Minh như cầu Cao Lãnh và tuyến nối Cao Lãnh - Đồng Tháp, cầu Bình Ca, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Ngân Sơn - Nà Phặc, Chợ Mới - Chợ Chu, hoàn thành 66/77km dự án La Sơn - Túy Loan...
Tuy nhiên, theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, hiện nay còn 7 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ (Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và 5 dự án đường sắt đô thị).
"Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án mới còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai (như Dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - cần Thơ...)", kết luận của Phó Thủ tướng nêu.
Được biết, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) hạn chế; công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc; năng lực nhà đầu tư, nhà thầu còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách...
Liên quan đến các công trình trọng điểm của ngành GTVT, kết luận của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện danh mục các dự án trọng điểm của ngành, trong đó phân loại cụ thể theo nhóm mức độ hoàn thành (đã hoàn thành, đang triển khai và chuẩn bị đầu tư) và theo 5 loại hình vận tải: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.
Trong đó, đặc biệt lưu ý các dự án có vai trò động lực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh để sớm triển khai nghiên cứu, lập dự án đầu tư.
Đối với lĩnh vực đường bộ, ưu tiên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau; các đoạn, tuyến kết nối với hệ thống đường cao tốc; kết nối giữa các cảng biển, cảng hàng không với các trung tâm sản xuất công nghiệp, đô thị lớn...
Đối với lĩnh vực đường sắt, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuẩn bị lập dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có.
Đối với lĩnh vực hàng không, sớm nghiên cứu mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài và các sân bay địa phương gắn với các trung tâm phát triển kinh tế, du lịch.
Đối với lĩnh vực hàng hải, ưu tiên nâng cấp, đảm bảo khai thác có hiệu quả các cảng biển, đặc biệt là hai cảng cửa ngõ quốc tế là Cảng Cái Mép - Thị Vải và Cảng Lạch Huyện.
Đối với đường thủy nội địa, ưu tiên xử lí các nút thắt của giao thông thủy nội địa như kênh Chợ gạo, cầu Đuống, nâng cấp các tuyến đường thủy trọng yếu, liên vùng để giảm tải cho vận tải đường bộ; các tuyến đường thủy gắn với phát triển du lịch.
Bộ GTVT cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đường sắt tốc độ cao, các dự án sân bay, cảng biển, các dự án tháo gỡ nút thắt cho đường thủy nội địa...
Nhiều hạng mục của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hoàn thiện. (Ảnh: Di Linh)
Đối với Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHKQT Tân Sơn Nhất, kết luận của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 477/TB-VPCP ngày 26 tháng 12 năm 2018 và số 10902/VPCP-CN ngày 09 tháng 11 năm 2018, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư.
Hội đồng thẩm định nhà nước khẩn trương triển khai hoàn thành công tác thẩm định để kịp tiến độ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019 với Dự án CHKQT Long Thành.
Đối với Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Ngoại giao, làm việc với các cơ quan phía Trung Quốc để chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1232/TTg-KTN ngày 18 tháng 7 năm 2016 về cơ chế đặc thù của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Với 2 dự án đường sắt đô thị của TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT hướng dẫn UBND TP HCM tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 45/TB-VPCP ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
Về đề xuất tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu tại các dự án đường sắt đô thị cần thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, đề xuất các nội dung liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đối với các dự án đi qua 2 tỉnh trở lên, giao Bộ TN&MT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2344/VPCP-NN ngày 25 tháng 3 năm 2019.
Kết luận của Phó Thủ tướng cũng đồng ý đưa Dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân ra khỏi danh mục các công trình, dự án trọng điểm để chỉ đạo tập trung hơn vào các dự án trọng điểm khác của ngành.