Theo báo Hải Dương, 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đề xuất thực hiện hơn 800 dự án với tổng diện tích trên 6.000 ha, dự kiến thu tiền sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) trên 81.000 tỷ đồng.
Trong đó, HĐND huyện Bình Giang đề xuất thực hiện 73 dự án để thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, huyện huy động 1.015 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của 6 dự án với tổng diện tích hơn 136 ha để thực hiện một dự án giao trọng điểm. Dự kiến thu tiền sử dụng đất mang lại ngân sách khoảng 8.113 tỷ đồng.
Huyện Kim Thành sẽ đầu tư hai công trình giao thông trọng điểm với tổng vốn trên 2.642 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến thu từ đấu giá và đấu thầu 20 dự án khu dân cư, đô thị. Giai đoạn 2021-2025, huyện đã xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất với tổng nguồn thu dự kiến hơn 4.752 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, cơ quan đã rà soát số liệu các dự án công trình tạo nguồn của các địa phương, nhưng diện tích đất lúa của các dự án đề xuất quá lớn. Diện tích đất ở vượt cao so với chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở dự kiến đến năm 2025 của tỉnh.
Đơn cử UBND huyện Bình Giang đề xuất 73 dự án tạo nguồn, trong đó diện tích đất ở dự kiến khoảng 120 ha. Tuy nhiên, theo chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025, diện tích đất ở tối đa của Bình Giang là 104 ha.
Huyện Cẩm Giàng đề xuất 25 dự án với tổng diện tích đất ở khoảng 134 ha, trong khi đó diện tích đất ở tối đa đến năm 2025 của huyện chỉ là 86 ha...
Nhiều dự án dự kiến mức thu tiền sử dụng đất thấp so với lợi thế vị trí khu đất dự án và so với các dự án khác trên cùng địa bàn. Đặc biệt các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có mức thu dự kiến rất thấp và thấp hơn nhiều so với dự kiến mức thu tiền sử dụng đất bình quân của các dự án đấu giá trên cùng địa bàn.
Tại thời điểm hiện nay, việc dự kiến tiền thu sử dụng đất của các dự án đến năm 2025 chưa thể chính xác và sát với xu hướng biến động của thị trường.