Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka

Gia đình giàu nhất Đan Mạch, và một trong những gia đình giàu nhất Sri Lanka, mất tổng cộng 5 thành viên trong tấn thảm kịch cướp đi sinh mạng của 250 người xảy ra hôm 21/4.

Một tuần sau chuỗi các vụ đánh bom của những kẻ Hồi giáo cực đoan khiến 250 người thiệt mạng, đất nước Sri Lanka dường như vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Sự im ắng bất thường bao phủ các khu vực mà trước đây từng đông đúc. Những cửa hàng trên đường Old Moor ở Colombo, nơi nhà Ibrahim xây dựng đế chế buôn bán gia vị đình đám, đóng cửa và tắt đèn từ sớm chứ không tấp nập như mọi khi.

Các nhà điều tra từ rất nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, đang xâu chuỗi các bằng chứng từ 3 khách sạn và 2 nhà thờ bị tấn công, để tìm hiểu lý do tại sao một nhóm Hồi giáo ít tên tuổi, không có lịch sử bạo lực nào trước đó, lại có thể gây ra vụ tấn công đẫm máu nhất thế giới trong những năm gần đây.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka - Ảnh 1.

Khu phố Old Moor, nơi gia đình Ibrahim xây dựng đế chế buôn gia vị, trở nên im ắng so với vẻ tấp nập thường thấy. Ảnh: New York Times.

Giây phút định mệnh

Gần 9 h ngày Chủ nhật Phục sinh, Anders Holch Povlsen, người đàn ông giàu nhất Đan Mạch, đang ăn sáng với gia đình tại nhà hàng Table One của khách sạn Shangri-La ở thủ Colombo của Sri Lanka.

Nhà hàng được trang trí bằng các thùng trái cây lớn, gồm cam, táo và những quả dứa (thơm). Gia đình Povlsen dùng bữa với tầm nhìn hướng ra bãi biển không xa trước mặt.

Cùng lúc đó, Ilham Ibrahim, con trai của một trong những thương nhân gia vị giàu nhất Sri Lanka, cũng đang đi xuống nhà hàng Table One bằng thang máy. Đội một chiếc mũ lưỡi trai và mang theo ba lô cỡ lớn, Ibrahim bước vào thang máy cùng một người bạn cũng mặc đồ tương tự. Ngay trước khi cánh cửa thang máy mở ra, camera giám sát cho thấy Ibrahim nở một nụ cười tươi rất lâu khi nhìn sang bạn của mình.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka - Ảnh 2.

Cảnh sát Sri Lanka tại hiện trường vụ nổ ở nhà hàng Table One của khách sạn Shangri-La. Ảnh: AFP.

Hai gia đình, nhà Povlsens và nhà Ibrahim, đang chuẩn bị gặp nhau. 

Một bên là tỷ phú dollar, và bên còn lại là tỷ phú rupees. Nhà Povlsen xây dựng khối tài sản khổng lồ dựa trên quần bò, áo len cổ lọ và những trang phục tương tự. Trong khi đó, nhà Ibrahim trở nên giàu có nhờ hạt tiêu trắng, tiêu đen và nhiều loại gia vị khác.

Cả hai gia đình đều nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ, thuộc về tầng lớp doanh nhân tinh hoa giàu lên nhờ một thế giới phẳng. Nhưng chỉ trong tích tắc, 5 người con của 2 gia đình này, Ilham, Inshaf, Alma, Agnes và Alfred, đều biến mất trong vụ nổ khủng khiếp.

Chỉ có điều khác biệt duy nhất, một bên là nạn nhân, một bên đánh bom tự sát!

Hai anh em nhà Ibrahim, Ilham và anh trai Inshaf, là những kẻ đánh bom liều chết trong chuỗi các vụ khủng bố nổ ra trên khắp đất nước hôm 21/4. Thông tin này đã gây chấn động cho cộng đồng Hồi giáo ở Sri Lanka, vì họ không hiểu tại sao 2 thiếu gia giàu có nhất đất nước lại có thể làm điều đó.

"Tất cả mọi người cứ hỏi tôi câu đó", ông Hilmy Ahmed, chủ tịch hội đồng Hồi giáo của Sri Lanka, cho biết. "Tôi không biết liệu câu trả lời có tồn tại hay không".

Doanh nhân chăm chỉ của Sri Lanka

Mohamed Ibrahim rất thích kể câu chuyện về chiếc nhẫn của mình.

Vào cuối thập niên 1960, ông Ibrahim, khi đó là một thiếu niên không được đi học, đến từ thị trấn nhỏ Delthota ở miền trung Sri Lanka, đã quyết định bán chiếc nhẫn ưa thích của mình để mua vé xe buýt tới thủ đô Colombo một mình. Ông chưa từng quay đầu lại.

Tại khu vực đông đúc của người Hồi giáo ở Colombo, cậu thiếu niên Mohamed bắt đầu bằng việc phụ bếp, rồi sau đó mở cửa hàng bán hành, rồi mè và hạt tiêu. Dần dần, ông trở thành một thương nhân chuyên buôn gia vị.

Khí hậu nhiệt đới và đất đai màu mỡ của Sri Lanka tạo nên những loại gia vị hảo hạng nhất thế giới. Tới nay, ông Ibrahim điều hành một trong những công ty xuất khẩu gia vị lớn nhất đất nước, với hơn 9000 tấn hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ mỗi năm.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka - Ảnh 3.

Ông Ibrahim (giữa) và con trai Inshaf (phải) bắt tay bộ trưởng Sri Lanka trong một sự kiện hồi năm 2016. Ảnh: Facebook.

Các thương lái khác cho biết ông Ibrahim mua bán nhiều tới mức hoàn toàn có thể tự trả giá. Doanh nhân 70 tuổi cũng là chủ tịch của Hiệp hội Thương nhân Colombo, sống trong dinh thự trị giá hàng triệu USD ở ngoại ô thủ đô và có bộ sưu tập 6 chiếc xe đắt tiền.

Thành viên gia đình cho biết ông Ibrahim luôn làm việc chăm chỉ, dậy từ 4 h tới thánh đường Hồi giáo, ăn bữa sáng đơn giản tại nhà rồi sau đó dành cả ngày ở nhà máy sản xuất gia vị, mân mê hạt tiêu giữa 2 ngón tay để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

"Ông ấy gọi mọi người là anh em. Thậm chí những điều tra viên cũng nói với chúng tôi rằng ông ấy là người tốt", ông Kaldeen, một nhà nhập khẩu từng quen biết ông Ibrahim, chia sẻ.

Hàng xóm thường thấy người đàn ông này đi bộ trên phố Old Moor, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống đường với dáng đi hơi lom khom.

Inshaf, con trai cả 35 tuổi của ông Ibrahim thì hào nhoáng hơn. Cậu lái một chiếc Land Cruiser màu trắng, và cao lớn hơn hầu hết người dân Sri Lanka. Bạn bè cho biết dù đi đâu, Inshaf Ibrahim luôn di chuyển rất nhanh. Inshaf có ngoại hình ưa nhìn, khỏe mạnh, luôn lịch thiệp và được cho là sẽ kế nghiệp gia đình.

Ilham, con trai thứ của ông Ibrahim, có phần hướng nội hơn. Các thương nhân trên phố Old Moor ít khi nhìn thấy anh ta. Công việc của Ilham là trông coi trang trại hồ tiêu của gia đình ở Matale, thành phố cách Colombo vài giờ chạy xe.

Tỷ phú giàu nhất Đan Mạch

Khách sạn Shangri-La nổi bật hẳn lên so với các tòa nhà khách trên tuyến đường ven biển Galle Face. Cao 32 tầng, làm từ thép và kính, nó nhìn thẳng ra Ấn Độ Dương. Gia đình Povlsen, gồm Anders, vợ ông cùng 4 người con tuổi từ 5 đến 15, chọn nơi đây để thư giãn trong kỳ nghỉ Lễ Phục sinh.

Alma, cô con gái lớn của gia đình, thỉnh thoảng hay chia sẻ những bức hình đi du lịch cùng gia đình trên Instagram, nhưng chúng đều khá trừu tượng và không thấy xuất hiện khuôn mặt của ai.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka - Ảnh 4.

Tỷ phú Anders Povlsen là người giàu nhất Đan Mạch với khối tài sản trị giá 8 tỷ USD. Ảnh: AP.

Lý do cho điều này có lẽ là vấn đề an ninh. Hồi cuối những năm 1990, một người lạ đã đột nhập vào dinh thự nhà Anders và đe dọa sẽ giết cha mẹ của ông nếu không được trả tiền. Một vài năm sau, những kẻ lạ mặt đã bắt cóc một người đàn ông ở Ấn Độ vì cho rằng nạn nhân là Anders.Tỷ phú Anders Povlsen là người giàu nhất Đan Mạch với khối tài sản trị giá 8 tỷ USD. Ảnh: AP.

Soren Jakobsen, người viết tiểu sử nhà Povlsen, cho biết an ninh là mối quan tâm hàng đầu của họ trong suốt 20 năm qua. Anders không thích người khác chụp ảnh mình và tránh xuất hiện trên mạng xã hội.

Nhà Povlsen sống trong một dinh thự khép kín có tuổi đời 600 năm, họ cũng sở hữu một vài tòa lâu đài và 890 km vuông đất ở Scotland. Forbes nói rằng tổng tài sản của họ vào khoảng 8 tỷ USD.

Mặc dù Anders Povlsen thường hay uống bia với các hoàng tử Đan Mạch, nhân viên của ông và người dân tại thị trấn Stavtrup nơi nhà Povlsen sinh sống, cho biết tỷ phú là người chân thành và họ không hề cảm thấy sợ hãi.

"Anders Povlsen không phải là kẻ láu cá, mà là một doanh nhân trung trực và có tầm nhìn, đó là lý do có nhiều người ủng hộ ông ấy", ông Jakobsen cho biết.

"Cô ấy vô hồn"

Vào ngày Chủ nhật Phục sinh, bầu trời Colombo trong xanh và mặt trời lên cao. Tất cả những khách sạn và nhà thờ chính đều chật kín.

Nhà hàng Table One cũng vậy, rất đông du khách ngồi trên những chiếc ghế màu xanh, thưởng thức bữa buffet bao gồm bữa sáng kiểu Anh, cà-ri cá và mỳ xào kiểu Sri Lanka.

Ilham và đồng phạm của mình là Zaharan bước vào nhà hàng từ hai phía, và đến 8h50 thì kích hoạt trái bom mang theo.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka - Ảnh 5.

Cảnh sát bao vây dinh tự nhà Ibrahim ở ngoại ô thủ đô Colombo. Ảnh: New York Times.

Ông Asanga Abeyagoonasekera, chuyên gia chính sách ngoại giao của Bộ Quốc phòng Sri Lanka, người lúc đó đang ở cùng gia đình tại tầng 9, cho biết cả tòa nhà rung chuyển sau vụ nổ. Ông đưa cả gia đình xuống cầu thang cứu nạn để ra ngoài. Nhiều người bị thương đang lết khỏi tòa nhà, máu tràn ngập ở sảnh và ông nhìn thấy một phụ nữ người nước ngoài đang được đưa đi.

"Cô ấy ở ngay trước mắt tôi. Cô ấy vô hồn", ông Abeyagoonasekera kể lại.

33 người đã thiệt mạng tại khách sạn Shangri-La, trong đó có 3 trên 4 người con của tỷ phú Povlsen. Hiện chưa rõ tại sao 3 thành viên còn lại của gia đình may mắn sống sót.

Trong một bức ảnh được chụp sau đó tại Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka ở thủ đô Colombo, ông Povlsen được nhìn thấy đang nghe điện thoại, mắt trái sưng to và áo dính đầy máu. Khi được một nhà báo Sri Lanka hỏi chuyện, tỷ phú lắc đầu.

Vì Ilham sử dụng giấy tờ tùy thân thật để đi vào khách sạn Shangri-La, cảnh sát ngay lập tức bao vây biệt thự của nhà Ibrahim. Khi họ gõ cửa, một phụ nữ xuất hiện và mời họ đi lên lầu, đó là Fatima, vợ của Ilham.

Sau khi lên tới đầu cầu thang, trước mặt 3 người con, Fatima kích nổ trái bom trên người, khiến 3 cảnh sát và cả ba đứa trẻ 4,5 và 9 tháng tuổi thiệt mạng. Cảnh sát sau đó cho biết có thể chính Fatima cũng đang mang thai.

Ông Ibrahim, người đứng đầu gia đình, bị còng tay và đưa đi bởi cảnh sát.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka - Ảnh 6.

Người dân thị trấn Stavtrup cầm đuốc ra đường tuần hành để chia sẻ nỗi đau mất mát với nhà Povlsen. Ảnh: AFP.


Ngày hôm sau, ông Povlsen, vợ và người con duy nhất còn sống sót là Astrid, lên máy bay riêng rời khỏi Colombo.

Hôm 25/4, hơn 1000 người ở thị trấn Stavtrup đã ra đường và tuần hành để chia sẻ những mất mát của gia đình Povlsen, rất nhiều trong số họ đã khóc.

Ông Ibrahim vẫn bị giam giữ, các đồng nghiệp cho biết họ tin rằng doanh nhân này không biết gì về kế hoạch của các con.

chọn
Cường Thuận IDICO sắp xây khu nhà ở 2.500 tỷ tại Biên Hòa, có thể ghi nhận doanh thu từ 2025
Dự kiến từ quý I/2025, Cường Thuận IDICO sẽ khởi công, thi công xây dựng Khu dân cư Phước Tân (CTI Residence) tại TP Biên Hòa với tổng vốn gần 2.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, đây là dự án sẽ mang lại nhiều điểm sáng cho tập đoàn những năm tới.