Hai lí do khiến bến xe miền Đông mới tiếp tục 'lỡ hẹn'

UBND TP HCM yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo lại các vấn đề pháp lí liên quan dự án bến xe miền Đông mới chậm nhất vào ngày 22/8 sau khi lỡ hẹn đưa vào hoạt động giai đoạn 1 ngày 15/8 vừa qua.

Đến thời điểm hiện tại, chưa một đơn vị vận tải nào được khai thác tại bến xe miền Đông mới (phường Long Bình, quận 9, TP HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), dù theo kế hoạch trước đó nhà ga này sẽ hoạt động giai đoạn 1 vào ngày 15/8.

Bến xe 1

Bến xe miền Đông mới. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Theo ghi nhận, các công trình trong nhà ga gần như đã hoàn thành. Khu vực bãi đón trả và đậu xe nằm ở phía sau và bên hông nhà ga với tổng diện tích 30.000 m2 cũng đã được sơn ô, kẻ vạch.

Tuy nhiên, các công trình từ mặt tiền quốc lộ 1 đi vào cổng chính vẫn còn ngổn ngang với những bãi đất trống, phần kết nối bến xe và các tuyến đường xung quanh vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Các tuyến Hoàng Hữu Nam, đường số 13 và đường A8 vẫn xuất hiện nhiều ổ gà, đường sá di chuyển khó khăn.

Đường ra

Xung quanh công trình vẫn ngổn ngang với những bãi đất trống. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Trưởng phòng Quản lí vận tải đường bộ (Sở GTVT) Đỗ Ngọc Hả cho biết, chủ đầu tư - Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) - đã báo cáo UBND TP HCM một số vấn đề pháp lí, như việc nghiệm thu của Bộ Xây dựng chưa có dù có kiểm tra đầy đủ nhưng chưa có văn bản cụ thể.

Lí do thứ hai là thủ tục kí hợp đồng với các đơn vị khai thác, cung cấp dịch vụ vận hành, điều hành tại bến xe miền Đông mới vẫn chưa hoàn thành nên chưa thể khai thác. UBND TP HCM yêu cầu, chủ đầu tư phải báo cáo lại các vấn đề pháp lí này chậm nhất vào ngày 22/8.

Lối vào

Lối dẫn vào bến xe. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Về phía chủ đầu tư, bà Tăng Thị Thu Lý - Phó Tổng giám đốc Samco cho biết, việc xây dựng hạ tầng bên trong bến xe cơ bản xong. Doanh nghiệp này đã kiến nghị UBND TP HCM các vấn đề pháp lí để đưa bến xe vào hoạt động.

Theo đó, ngày khánh thành bến xe miền Đông mới sẽ được công bố trước một tháng, dự kiến làm "gọn nhẹ, tiết kiệm". Bên cạnh đó, sẽ thông báo cụ thể về lượng chuyến và giờ giấc để các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn lực.

Theo Sở GTVT, giai đoạn 1 dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự li từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc sẽ được dời ra bến xe mới). Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày.

Trung tâm Quản lí giao thông công cộng đã tiến hành điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt, trong đó có các tuyến trợ giá số 55, 76, 150 và các tuyến không trợ giá số 602, 611. Các đơn vị cũng đã hoàn thành thủ tục đặt hàng tuyến số 67, kết nối hai bến xe miền Đông cũ và mới.

Quang cảnh 2

Quang cảnh 1

Quang cảnh xung quanh bến xe miền Đông mới. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Bến xe Miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4/2017, với diện tích hơn 16 ha (rộng gấp 3 lần Bến xe miền Đông hiện hữu) với vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Bến xe gồm bốn khu A, B, C, D. Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích hơn 122.000 m2 (chiếm hơn 76% tổng diện tích); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

Nhà ga được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Toàn bộ công trình được thiết kế theo kiến trúc hiện đại, trở thành bến xe lớn nhất nước và là một trong những bến xe hiện đại của khu vực Đông Nam Á.

Dự án này từng được kì vọng sẽ đưa vào sử dụng, phục vụ hành khách dịp cuối năm 2017, song bị dời sang quý I-2019, rồi ngày 15/8.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.