Bến xe Miền Đông mới đang được xây dựng tại quận 9, TP HCM. (Video: QUANG ĐỊNH)
Bến xe Miền Đông mới được xây dựng tại Q.9, TP HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không ít người dân, sở ngành liên quan lo lắng, phản ảnh nhiều khả năng bến xe này lại không kịp đưa vào hoạt động giai đoạn 1 ngày 15-8 theo dự kiến.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong những ngày đầu tháng 8, các công nhân đang hoàn thiện hạng mục cuối cùng để kịp đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động.
Bên trong nhà ga, công nhân đang lắp đặt quầy bán vé, quầy thông tin, lắp đèn chiếu sáng, đèn trang trí.
Các công trình trong nhà ga gần như đã hoàn thành. Khu vực bãi đón trả và đậu xe nằm ở phía sau và bên hông nhà ga với tổng diện tích 30.000m2 cũng đã được sơn ô, kẻ vạch.
Thế nhưng, các công trình từ mặt tiền quốc lộ 1 đi vào cổng chính vẫn còn ngổn ngang với những bãi đất trống.
Tại cổng chính, đơn vị thi công mới chỉ đổ bêtông làm tạm đường cho xe ra vào bến. Trong khi dự án quan trọng kết nối từ quốc lộ là cầu vượt, hầm chui... đi vào bến xe chưa có.
Theo quy hoạch, trước cổng ra vào bến sẽ có cầu vượt trên xa lộ Hà Nội.Khi đó các dòng xe ra vào bến sẽ chui dưới tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và cầu vượt này để không gây xung đột với dòng xe chạy thẳng trên quốc lộ.
Theo kế hoạch trước đây, cầu vượt phải xây dựng đồng bộ, hoàn thành cùng lúc đưa bến xe mới vào hoạt động.
Tuy nhiên đến lúc này các công trình vẫn chưa xây dựng. Ngoài ra, đường số 13 nằm bên bến xe nhưng còn đầy ổ voi, ổ gà, chỉ được vá víu tạm thời.
Còn đường Hoàng Hữu Nam kết nối từ bến xe ra trục đường D400 cũng trong tình trạng tương tự và chưa được mở rộng.
Đại diện Sở GTVT cho biết mặt đường tạm đoạn từ cổng ra vào kết nối với đường hiện hữu - quốc lộ 1 chưa được cải tạo.
Về giải pháp kết nối giao thông phục vụ giai đoạn 1, Sở GTVT cho biết đang hoàn thiện một đoạn đường tạm, kéo dài từ cổng chính của bến xe mới đến phần đường chính hiện hữu quốc lộ 1 với chiều dài 40m và chiều rộng tối thiểu 10m nhằm bố trí hai làn xe ra vào.
"Trước mắt, sở đã đề nghị UBND Q.9 thường xuyên duy tu, sửa chữa đường Hoàng Hữu Nam, đường 400, đường số 13 nhằm đảm bảo an toàn cho xe lưu thông" - đại diện Sở GTVT nói.
Bến xe Miền Đông mới khởi công từ tháng 4/2017, từng được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018 nhưng dời đến quý 1/2019 rồi 15/8/2019 và nay chưa biết khi nào hoạt động.
Bà Tăng Thị Thu Lý - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO), chủ đầu tư - cho biết việc đưa giai đoạn 1 của dự án bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động ngày 15/8 phải chờ cuộc họp với UBND TP vào hôm nay (14/8).
Theo Sở GTVT, giai đoạn 1 dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100km trở lên - tức từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc sẽ được dời ra bến xe mới. Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày hoạt động tại bến xe mới.
Còn Samco cho biết các đơn vị vận tải thuộc 29 tuyến đều sẵn sàng chấp thuận theo phương án di dời của các cơ quan chức năng. Các đơn vị này chỉ yêu cầu sớm hoàn thiện hạ tầng kết nối từ bên ngoài vào bến xe.
Chia sẻ thêm, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT - cho biết Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã tiến hành điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt, trong đó có các tuyến xe buýt trợ giá số 55, 76, 150 và các tuyến không trợ giá số 602, 611.
Các đơn vị cũng đã thực hiện những thủ tục đặt hàng một tuyến xe buýt mới hoàn toàn là tuyến số 67 kết nối từ bến xe Miền Đông mới và bến xe Miền Đông cũ.
Dự kiến trung bình có khoảng 80 chuyến xe buýt làm nhiệm vụ đưa rước khách ra vào bến xe.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Hải, hiện một số quy trình thủ tục để hoạt động bến xe Miền Đông mới chưa hoàn tất.
Cụ thể như thủ tục nghiệm thu giai đoạn 1 của bến xe (do Bộ Xây dựng nghiệm thu) chưa có. Vì vậy chưa đủ điều kiện để Sở GTVT công bố hoạt động bến xe Miền Đông mới.
Ngoài ra hiện giờ vẫn chưa chốt được đơn vị cung cấp dịch vụ, vận hành, điều hành tại bến xe Miền Đông mới...
Về vấn đề này, bà Tăng Thị Thu Lý cho hay trách nhiệm của Samco là việc xây dựng hạ tầng bên trong bến xe cơ bản xong.
Thế nhưng để bến xe hoạt động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố do các đơn vị khác thực hiện như việc hoàn thiện các tuyến đường kết nối, sự điều động các đơn vị vận tải...
Hoạt động sớm chừng nào đỡ ùn tắc chừng đó
Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP - cho biết tiến độ đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động đã chậm hơn so với dự kiến.
Các đơn vị liên quan cần thể hiện sự quyết liệt, sớm đưa bến xe này vào hoạt động giai đoạn 1.
Việc đưa bến xe Miền Đông mới hoạt động sớm chừng nào thì sớm giảm được ùn tắc giao thông chừng đó.
Quy mô bến xe Miền Đông mới
Bến xe Miền Đông mới là quần thể phức hợp có tổng diện tích 16ha được khởi công từ tháng 4/2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng.
Bến xe lớn nhất nước này có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỉ đồng.
Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành các công trình xây dựng quanh bến xe như hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam.
Khi đó sẽ di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.
Một số hình ảnh bến xe Miền Đông mới:
Chiều 13/8, các công nhân đang hoàn thiện những mảng xanh trước bến xe Miền Đông mới. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Nhà ga bến xe Miền Đông đã hoàn thành gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Chỗ đậu xe được thiết kế hình xương cá. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Ghi nhận chiều 13/8, các con đường từ quốc lộ 1 vào bến xe vẫn còn là những con đường đất. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động sẽ giúp giảm được ùn tắc giao thông. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Nhiều hạng mục bên trong bến xe Miền Đông mới vẫn đang hoàn thiện. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Điểm cuối của bến xe Miền Đông mới là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ trung tâm thành phố đi metro ra bến xe. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)