Hôm nay (16/11), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thị Bích Hạnh (SN 1983, trú ở phường Trương Định) và Vương Thúy Nga (SN 1975, ở phường Vĩnh Tuy), cùng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhiều bị hại “dính bẫy”
Theo hồ sơ vụ án, tính từ tháng 6/2012 đến tháng 10/2014, Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga đã lừa đảo chiếm đoạt được gần 7,3 tỷ đồng của 40 người.
Thủ đoạn của bộ đôi “nữ quái” này là tự nhận là cán bộ, công chức làm việc tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và có khả năng “chạy” được việc làm cho nhiều người.
Trong số tiền chiếm đoạt lớn nêu trên, Nga đã giúp sức và đồng phạm với Hạnh chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của hàng loạt bị hại và một mình chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng của một cá nhân. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Hạnh mới khắc phục được hơn 1,1 tỷ đồng, còn bị cáo Nga chưa khắc phục được đồng nào.
Chị Nguyễn Ngọc Hải (SN 1986, trú ở huyện Đông Anh), từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, thông qua người quen đã nhờ Hạnh xin việc và được Hạnh đồng ý.
Ngay trong buổi gặp đầu tiên, Hạnh khẳng định với chị Hải sẽ xin được cho chị vào làm điều dưỡng tại Khoa Sơ sinh của một bệnh viện lớn ở Hà Nội vì Hạnh đang là công chức của bệnh viện này, đồng thời có quan hệ rất thân thiết với lãnh đạo nên biết cách “chạy chọt đúng chỗ” với giá 230 triệu đồng.
Tin tưởng, ngày 14/7/2012, chị Hải liền đưa trước cho Hạnh 130 triệu đồng để “lo lót”, sau khi có quyết định được vào làm sẽ thanh toán hết cho Hạnh
Cầm được tiền trong tay, Hạnh ném hồ sơ của chị Hải vào 1 xó rồi nhanh chóng đi ăn tiêu, chơi bời.
Cũng giống với cảnh ngộ của chị Hải, ông Nguyễn Văn Hiệu (SN 1964, ở Thường Tín, Hà Nội) có con trai tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bắc Ninh nhưng loay hoay mãi vẫn chưa kiếm được việc làm ổn định.
Cuối năm 2013, được một người quen chỉ dẫn gặp Hạnh, ông Hiệu vui mừng khi đối tượng quả quyết sẽ sớm lo lót cho con trai vào làm điều dưỡng ở bệnh viện chuyên về phụ nữ trẻ em tại Hà Nội với giá 350 triệu đồng.
Sau khi đưa tiền cho Hạnh, gia đình ông Hiệu hy vọng và chờ đợi nhưng sau rất nhiều lần được Hạnh xin kéo dài thời gian. Lúc này, ông Hiệu mới biết đã gặp phải kẻ bịp bợm nên đã nhiều lần đòi lại tiền nhưng không được và sau đó còn mất hẳn liên lạc với Hạnh.
Hòng vớt vát lại phần nào số tiền lớn đã bỏ ra “chạy việc” cho con trai, đầu năm 2015, ông Hiệu buộc phải viết đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an.
Trao đổi với PV tại tòa, ông Hiệu thở dài: “Đúng là tiền mất – tật mang, chẳng có cái dại nào bằng cái dại nào!”.
Lê Thị Bích Hạnh (bên trái) cùng đồng bọn tại phiên tòa |
Thủ đoạn tinh vi
Có mặt tại phiên tòa, nhiều bị hại khai báo thêm, ngoài được người quen giới thiệu, chỉ dẫn thì họ còn trực tiếp gặp Vương Thúy Nga mặc áo blu trắng và đeo biển hiệu công chức đi lại tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Khi ấy, Hạnh dẫn họ vào bệnh viện đi lòng vòng, rồi bất ngờ gặp Nga tại hành lang một khoa chuyên môn của cơ sở y tế này.
Giải thích về những tố cáo nêu trên của các bị hại, cả Hạnh và đồng bọn đều thừa nhận đó chỉ là “chiêu trò” để các bị hại tin tưởng và yên tâm khi giao tiền xin việc. Và để “vở kịch” che mắt mọi người thành công, Hạnh và Nga đã nghiên cứu khá kỹ môi trường bệnh viện, đồng thời tính toán rất cẩn thận.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án cùng những lời khai, chứng cứ đã được thẩm định tại tòa, HĐXX khẳng định hành vi của hai bị cáo cực kỳ tinh vi, cùng nhau lên “kế hoạch” và ngang nhiên tới bệnh viện để đóng giả làm bác sỹ, y tá của các bệnh viện gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, TAND TP Hà Nội đã lần quyết định tuyên phạt Lê Thị Bích Hạnh 15 năm tù và Vương Thúy Nga 12 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.