Hải Phát báo lãi mỏng, chưa thoái vốn ở đơn vị sở hữu dự án gần 4.000 tỷ tại Nha Trang

Quý III/2023, Hải Phát báo lãi giảm sâu do một số dự án chưa đủ điều kiện bàn giao nhà cho khách hàng và giá sản phẩm giảm. Bên cạnh đó, tính tới cuối quý III, doanh nghiệp vẫn chứ hoàn tất thoái vốn đơn vị sở hữu dự án gần 4.000 tỷ tại Nha Trang.

Lãi sau thuế quý III đạt 4,3 tỷ đồng

CTCP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu thuần đạt 301 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do doanh thu từ kinh doanh bất động sản giảm 61,7%.

Về hoạt động tài chính, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 622,9 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 5,3 tỷ đồng, do ghi nhận âm từ khoản tiền gửi, tiền cho vay.

Sau khi trừ đi các khoản giá vốn, chi phí, thuế, Hải Phát báo lãi sau thuế quý III giảm 95%, về mức 4,3 tỷ đồng.

Giải trình về khoản giảm lãi trên, Hải phát cho biết, một số dự án chưa đủ điều kiện bàn giao nhà cho khách hàng để hạch toán doanh thu nên doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận giảm, bên cạnh đó giá sản phẩm trong năm nay giảm nhiều so với năm 2022 cũng là nguyên nhân làm cho lợi nhuận quý này của công ty giảm.

KQKD của Hải Phát trong 9 tháng đầu năm. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC DN).  

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Hải Phát ghi nhận doanh thu thuần 1.197 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 61,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10 tới đây, Hải Phát dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 120 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả thực hiện được trong 9 tháng đầu năm, Hải Phát đã thực hiện được 51% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong kỳ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty dương gần 424,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 146,4 tỷ đồng, nhờ giảm hàng tồn kho. Bên cạnh đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng dương 128,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 470,2 tỷ đồng, nhờ tăng tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Mặt khác, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 652,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 50,4 tỷ đồng, do công ty đã chi hơn 837 tỷ đồng để trả nợ gốc vay và chỉ thu về gần 184,6 tỷ đồng từ đi vay.

Tại thời điểm cuối quý III, tổng nợ phải trả của Hải Phát giảm gần 16% so với hồi đầu năm còn 5.053 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tài chính giảm 19,5% còn 2.670 tỷ đồng.

Các khoản vay của Hải Phát chủ yếu là phát hành trái phiếu đạt mức 2.290 tỷ đồng và chiếm 85,8% tổng giá trị vay nợ tài chính.

Theo Hải Phát giải trình, các khoản vay của doanh nghiệp có mức lãi suất giao động quanh mức 9 - 11 %.

Xét về tổng tài sản, tại ngày 30/9, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 8.571 tỷ đồng, giảm 9,5% so với thời điểm đầu năm, phần lớn do giảm các khoản phải thu dài hạn và giảm hàng tồn kho.

Trong đó, hàng tồn kho tới cuối quý III giảm 12%, còn 3.320 tỷ đồng, do giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Chưa thoái vốn đơn vị sở hữu dự án gần 4.000 tỷ tại Nha Trang

Ở một diễn biến khác, trước đó, hồi cuối tháng 8 vừa qua, HĐQT Hải Phát đã ban hành quyết định về việc thông qua chủ trương bán/chuyển nhượng phần vốn góp mà công ty đang sở hữu tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.

Hải Phát cho biết, số vốn góp mà công ty đang sở hữu tại HP Hospitality Nha Trang là 176,3 tỷ đồng, tương đương chiếm 78% tổng vốn điều lệ của đơn vị này.

Song, tính tới cuối quý III, đơn vị trên vẫn là công ty con do Hải Phát sở hữu 78% vốn.

Nói thêm thông tin về  HP Hospitality Nha Trang, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 28/2/2017 bởi hai cổ đông là CTCP Sông Đà Nha Trang (60%) và CTCP Sông Đà Thăng Long (40%), vốn điều lệ 226 tỷ đồng. Vào thời điểm này, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Tuấn làm người đại diện theo pháp luật.

Ngày 27/9/2017, cơ cấu cổ đông HP Hospitality Nha Trang có sự thay đổi khi Sông Đà Nha Trang giảm tỷ lệ sở hữu xuống 25% và Sông Đà Thăng Long nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%. Một ngày sau đó, Hải Phát đã ký hợp đồng mua lại 75% vốn HP Hospitality Nha Trang từ CTCP Sông Đà Thăng Long.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, HP Hospitality Nha Trang là công ty con do Hải Phát sở hữu 78% quyền biểu quyết.

Hiện tại, người đại diện theo pháp luật của HP Hospitality Nha Trang là ông Nguyễn Văn Phương, bên cạnh đó, ông Phương cũng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của Hải Phát.

HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư dự án TM1, thuộc dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập (phường Xương Huân, TP Nha Trang), do CTCP Sông Đà Nha Trang làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 8.111 m2, gồm hai khối tháp cao 40 tầng (thương mại, condotel, khách sạn) với tổng vốn đầu tư 3.945 tỷ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào quý IV/2022.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.