Hải Phòng dùng 99 ha 'đất vàng' trả cho nhà đầu tư cải tạo hai tòa chung cư cũ

Để thanh toán hợp đồng xây dựng hai tòa chung cư cũ ở phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền), TP Hải Phòng đã phải trả cho đối tác BT đến… 99 ha đất ở các vị trí đắc địa.
Hải Phòng dùng 99 ha 'đất vàng' trả cho nhà đầu tư cải tạo hai tòa chung cư cũ - Ảnh 1.

Sau khi được TP Hải Phòng thanh toán 5,1 ha đất tại khu đất nhà máy đóng tàu sông Cấm, Công ty Hoàng Huy đã nhanh chóng xây dựng ở đây dự án bất động sản Hoàng Huy Riverside gồm dãy nhà ở liền kề và biệt thự hiện đại. (Ánh: Thanh niên).

Thời gian gần đây, Hải Phòng liên tục triển khai nhiều dự án cải tạo chung cư dưới hình thức hợp đồng BT.

Đáng chú ý, ba dự án gồm: đầu tư, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi, Q.Ngô Quyền; cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP Hải Phòng - Công trình Goldenland 5, xây dựng chung cư HH3, HH4 P.Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền (gọi tắt là Dự án HH3, HH4); và dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP Hải Phòng - Công trình Goldenland 5, xây dựng chung cư HH1, HH2 P.Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền.

Đến ngày 15/5 vừa qua, chung cư HH4 Đồng Quốc Bình, một trong hai toà chung cư thuộc Dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố, được triển khai dưới hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Dự án BT) đã được khánh thành.

Các hợp đồng BT trên đều có một nhà đầu tư duy nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) trúng thầu.

Xây lại hai chung cư, được trả 99 ha "đất vàng" 

Ngày 19/11/2019, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xin được dùng khu đất vốn là trụ sở cũ của Quận ủy - UBND - HĐND Q.Hồng Bàng (42 Lê Đại Hành, rộng 0,8 ha) và khu đất số 199 Tô Hiệu (từng là Đài PT - TH Hải Phòng, rộng 0,3 ha) để thanh toán hợp đồng BT xây dựng hai chung cư HH3 - HH4 Đồng Quốc Bình, trị giá 1.668,4 tỉ đồng, cho Công ty Hoàng Huy.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND TP Hải Phòng cũng có nhắc đến việc trước đó, địa phương này đã dùng khu đất Nhà máy đóng tàu sông Cấm, diện tích 5,1 ha, để thanh toán hợp đồng BT xây dựng chung cư HH3-HH4 này. Tuy nhiên, văn bản cũng ghi rõ: riêng hợp đồng BT xây dựng hai chung cư HH3-HH4 này, thành phố đã bố trí một quĩ đất gồm 7 khu với tổng diện tích 99 ha để thanh toán cho nhà đầu tư Hoàng Huy.

Hải Phòng dùng 99 ha 'đất vàng' trả cho nhà đầu tư cải tạo hai tòa chung cư cũ - Ảnh 2.

Chung cư HH4 Đồng Quốc Bình được khánh thành ngày 15/5. (Ảnh: CTV).

Cụ thể, ngoài ba khu đất nêu trên còn có 4 khu đất khác, gồm: các lô đất CH1, CH13, N78 Khu đô thị Hồ Sen - Cầu Rào rộng 2,6 ha; Khu 2A Sở Dầu rộng 1,1 ha; trụ sở cũ Viện KSND TP Hải Phòng (số 22 Phan Bội Châu, Q.Hồng Bàng) rộng 1,1 ha; và khu đất đối ứng thứ 7 năm tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, H.Thuỷ Nguyên, rộng 88 ha.

Như vậy là chỉ với việc cải tạo lại hai chung cư trên nền đất đã có sẵn, Công ty Hoàng Huy đã được  trả đến 99 ha đất sạch tại những vị trí được coi là đắc địa nhất của TP Hải Phòng.

Sau khi triển khai xây dựng hai chung cư HH3 và HH4, vào tháng 3/2019, Công ty Hoàng Huy tiếp tục khởi công hai chung cư HH1, HH2 cao 28 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng gần 89.000 m2 trên diện tích 6.295,38 m2 đất gồm 1.030 căn hộ, tổng vốn đầu tư 1.321 tỉ đồng. Hai chung cư này sẽ hoàn thành cuối năm 2020 và Hải Phòng còn dự kiến dùng 5 khu đất khác để thanh toán cho Công ty Hoàng Huy.

Đất công đang bị Hải Phòng định giá quá “bèo”? 

Sau khi được TP Hải Phòng thanh toán 5,1 ha đất tại khu đất Nhà máy đóng tàu sông Cấm, Công ty Hoàng Huy đã nhanh chóng xây dựng ở đây dự án bất động sản Hoàng Huy Riverside gồm dãy nhà ở liền kề và biệt thự hiện đại. Ngay trên trang chủ website của dự án này, chủ đầu tư đã quảng cáo dự án của mình là nằm ở “vị trí vàng đắc địa” khi: cách bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp và Bệnh viện đa khoa quốc tế xấp xỉ 1 km; cách các trường học cấp 1, 2, 3 từ 1-1,5 km; cách trung tâm thương mại Vinhomes Imperia chưa đến 1 km,…

Với vị trí đất vàng như thế, giá nhà ở đây được rao bán khoảng 35 triệu đồng/m2, dao động từ 5-18 tỉ đồng/căn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, khi giao cho chủ đầu tư, Hải Phòng chỉ định giá khu đất này có 194,378 tỉ đồng, tương đương 3,8 triệu đồng/m2.

Hải Phòng dùng 99 ha 'đất vàng' trả cho nhà đầu tư cải tạo hai tòa chung cư cũ - Ảnh 3.

Phối cảnh tòa nhà hỗn hợp cao 37 tầng thuộc dự án Hoàng Huy - Sở Dầu tại khu đất rộng 1,1 - Khu đất được Hải Phòng trả hợp đồng BT cho Hoàng Huy. (Ảnh: CTV).

Việc tài sản công bị định giá thấp hơn hẳn giá thị trường nhiều lần, rồi đem trả cho nhà đầu tư dự án BT hiện đang tiếp tục diễn ra đối với hai khu đất được coi là ở vị trí “kim cương” của TP Hải Phòng.

Đó là khu đất trụ sở cũ của UBND Q.Hồng Bàng tại số 42 Lê Đại Hành rộng 0,8 ha, được TP Hải Phòng tạm định giá là 64,7 tỉ đồng tài sản trên đất và 290,58 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ là 36,32 triệu đồng/m2. Còn khu đất tại số 199 Tô Hiệu được tạm định giá tiền tài sản trên đất là 19,57 tỉ đồng và 65,99 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ xấp xỉ 22 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, đại diện một sàn giao dịch bất động sản lớn tại Hải Phòng cho biết, các khu vực trên nhiều năm qua ít có giao dịch do tính chất ổn định và hạn chế phát triển trong qui hoạch của khu vực trung tâm, và cũng do đây là các vị trí “đất kim cương”, ai đã sở hữu được rồi thì chỉ chú trọng giữ mà khai thác kinh doanh, chứ ít người có nhu cầu bán lại. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí và các điều kiện phụ trợ, cũng như qua một số ít giao dịch từ người dân ở đây, hiện đất tại các khu này có giá dao động từ 150 - 250 triệu đồng/m2, tuỳ vào vị trí và diện tích.

Chính vì nghịch quá chênh lệch trên dẫn đến sự phản đối của các người dân trong khu vực. Vì với khu đất 0,8 ha vốn là trụ sở cũ của UBND Q.Hồng Bàng, để thanh toán hợp đồng BT cho Công ty Hoàng Huy, TP Hải Phòng trước đó cũng đã phải tiến hành điều chỉnh qui hoạch cục bộ đến 2,48 ha đất ở khu vực trung tâm này.

“Theo điều chỉnh này thì không chỉ có các trụ sở công sản bị lấy mà nhà, đất của dân cũng bị thu hồi. Như vậy đâu có hợp ? Nếu thành phố lấy đất làm công trình công cộng thì khác, thu hồi đất ở của dân mà giao cho doanh nghiệp xây nhà thương mại là không được. Giá cả đền bù “bèo” như thế sao công bằng được?”, anh Trung, một người dân sống ở đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng), bức xúc nói.

Về vấn đề này, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, cho rằng: “Quan trọng là nhà nước phải xác định giá khu đất thế nào, đúng theo qui định hiện hành để tránh thất thoát. Doanh nghiệp được giao đất khi sử dụng cũng phải tuân thủ theo qui hoạch”.

Trong khi đó, theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP qui định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng BT, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán và được xác định như sau: giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo qui định của pháp luật tại thời điểm thanh toán, giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Để tìm hiểu về phương án định giá các khu đất công của Hải Phòng trả cho các hợp đồng BT của Công ty Hoàng Huy, PV Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Lê Ngọc Trữ, Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng, nhưng ông Trữ đều không có phản hồi.

Trả lời PV Thanh Niên, Văn phòng UBND TP Hải Phòng xác nhận, trong các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án trên, có hai cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc cũ của cơ quan nhà nước, gồm: Trụ sở cũ Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Q.Hồng Bàng và trụ sở cũ Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng.

Hai quĩ đất trên phù hợp với qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng đã được thành phố đầu tư xây dựng trụ sở tại vị trí mới bằng nguồn vốn ngân sách. Các trụ sở làm việc cũ không còn nhu cầu sử dụng, công trình trên đất không được duy tu, bảo dưỡng đã xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị.

Vậy nên, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP Hải Phòng được sử dụng hai trụ sở làm việc cũ trên để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Hiện Thủ tướng chưa có văn bản trả lời.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.