Chính phủ Mỹ đã công bố một văn bản trên Văn phòng Đăng kí Liên bang vào ngày 11/8, yêu cầu hàng hóa được sản xuất tại Hong Kong và xuất khẩu sang Mỹ phải đánh dấu để chỉ rõ hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Qui định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày công bố trong sổ đăng kí, theo Bloomberg.
Trên thực tế, tác động của qui định mới đối với thương mại hoặc nền kinh tế Hong Kong nhiều khả năng sẽ khá hạn chế vì có rất ít hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ đặc khu hành chính này sang Mỹ.
Phần lớn các chuyến hàng từ Hong Kong đến Mỹ đều là hàng tái xuất hoặc hàng đi qua khu vực này mà không có điều chỉnh đáng kể.
Trong khoảng 304 tỉ HKD (tương đương 39 tỉ USD) hàng xuất khẩu từ Hong Kong sang Mỹ vào năm ngoái, chỉ khoảng 1,2% là hàng xuất khẩu trực tiếp, theo dữ liệu từ Cục Điều tra và Thống kê Hong Kong. Khoảng 80% là hàng tái xuất từ Trung Quốc sang Mỹ.
Washington công bố qui định mới theo sau quyết định thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong mà Tổng thống Trump thông qua hồi tháng 7. Nguyên nhân là do chính phủ Mỹ "xác định Hong Kong không còn đủ tự chủ để được đối xử khác với Trung Quốc".
Quyết định mới của phía Mỹ cũng được đưa ra sau khi Trung Quốc trừng phạt 11 người Mỹ (trong đó có 5 nghị sĩ quốc hội) để đáp trả lệnh trừng phạt tương tự của Mỹ tuần trước.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 10/8, ông Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nêu danh sách 11 người Mỹ bị trừng phạt bao gồm các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz, Tom Cotton và Pat Toomey; Hạ nghị sĩ Chris Smith; Giám đốc Điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Kenneth Roth; Chủ tịch Quĩ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ Carl Gershman; và Chủ tịch Freedom House Michael Abramowitz.
Ngày 7/8 tuần trước, chính quyền ông Trump đã công bố biện pháp trừng phạt với 11 quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong, bao gồm cả Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam. Mỹ cáo buộc 11 quan chức này gây tổn hại tới quyền tự do chính trị ở Hong Kong.