hàng không Tre Việt
Theo thông tin của TBKTSG Online, trong văn bản gửi tới Cục hàng không (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) hôm 12/6, Công ty cổ phần tập đoàn FLC, hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cam kết sẽ đệ trình văn bản xác nhận vốn theo quy định của Nghị định 92/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Tập đoàn này cũng báo cáo rằng, văn bản xác nhận vốn sẽ được nộp tại thời điểm Đề án thành lập hãng hàng không Bamboo Airways được các cơ quan chức năng thẩm định.
Hàng không Tre Việt chưa có văn bản xác nhận vốn |
Lý do của văn bản giải trình nội dung về vốn mà FLC nộp cho cơ quan quản lý là vì theo quy định của Luật hàng không và Nghị định 92/2016, doanh nghiệp chỉ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng đủ điều kiện, đặc biệt là điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện cụ thể về vốn yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng về khoản tiền mà tổ chức tín dụng phong tỏa của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Khoản tiền này chỉ được giải phóng khi tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc có văn bản thông báo việc bị từ chối cấp phép. Hay nói khác là doanh nghiệp phải nộp tiền thật tại ngân hàng tại thời điểm lập hồ sơ xin cấp phép.
Cũng tại thời điểm nộp hồ sơ xin cấp phép, quy định của luật cho phép đối với vốn góp bằng tài sản phục vụ cho mục đích kinh doanh thì phải có chứng thư thẩm định giá của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận quy đổi thành tiền của tài sản nói trên theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.
Nghị định 92 cũng ghi rõ, chỉ những doanh nghiệp đang kinh doanh nghành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng có nhu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác quy định tại cùng nghị định thì có thể sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần của 2 năm liền kề trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn. FLC thì không thuộc loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh bởi quy định này.
Các quy định trên cho thấy rằng, văn bản xác nhận vốn hay nói khác là văn bản chứng minh doanh nghiệp có tiền thật hoặc tài sản thật quy ra tiền được ngân hàng hoặc cơ quan thẩm định giá đủ điều kiện xác nhận thì mới chứng tỏ được có nguồn tiền thật đủ để hoạt động. Văn bản phải được nộp ngay khi nộp đề án thành lập doanh nghiệp lên Cục hàng không chứ không phải nộp khi các cơ quan chức năng tiến hành thẩm định đề án như FLC đề nghị.
Mặt khác, cũng trong văn bản của FLC có nêu vấn đề tập đoàn này cam kết bảo lãnh về việc Tre Việt có đủ nguồn vốn để được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không. Song, các điều kiện về vốn điều lệ là tiền/tài sản thật được phong tỏa tại ngân hàng mới là điều kiện tiên quyết theo quy đinh của pháp luật chứ không phải cam kết bảo lãnh của Công ty mẹ đối với công ty con.
Cuối tháng 5-2017, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã có nghị quyết thông qua việc thành lập Công ty TNHH hàng không Tre Việt với vốn điều lệ 700 tỉ đồng, trong đó FLC góp 100% vốn đăng ký hoạt động của công ty. Với số vốn điều lệ 700 tỉ đồng căn cứ vào Nghị định 92 về điều kiện kinh doanh hàng không thì FLC đủ điều kiện thành lập hãng hàng không với quy mô 10 máy bay và được mở các đường bay trong nước và quốc tế.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn khi xin cấp phép thành lập hãng hàng không mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT làm đúng quy định của pháp luật khi chưa xem xét hồ sơ xin cấp phép của hãng hàng không Vietstar Airlines tại thời điểm tháng 5-2016 vì chưa đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ.
Vietstar Airlines đã kinh doanh vận tải hàng không từ năm 2010 song muốn thành lập hãng mới để kinh doanh chở khách (do hiện chỉ kinh doanh theo hình thức thuê chuyến, bảo dưỡng máy bay...). Việc đề nghị thành lập hãng mới có 10 tàu bay hoạt động tại thị trường trong và ngoài nước, theo quy định phải có vốn điều lệ 700 tỉ đồng và phải nộp 700 tỉ đồng phong tỏa tại ngân hàng.
Song tại thời điểm xin cấp phép là hết năm 2015, Vietstar Airlines mới chỉ có vốn chủ sở hữu 625,7 tỉ đồng, còn thiếu 74,3 tỉ đồng. Vietstar Airlines đã trình văn bản xác nhận vốn do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp thay cho văn bản của tổ chức tín dụng. Bộ GTVT vẫn trình hồ sơ này lên Chính phủ song Bộ Tài chính và Chính phủ đã từ chối vì chưa đúng quy định và cho rằng chưa có đủ cơ sở để khẳng định doanh nghiệp đã có đủ vốn để đi vào hoạt động.