Hàng loạt sàn vàng 'ảo' vẫn hoạt động chui

Kinh nghiệm non nớt, tâm lý háu thắng là những điểm yếu chết người của nhà đầu tư Việt khi lao vào vàng“ảo”.

Núp bóng sàn “ngoại”

hang loat san vang ao van hoat dong chui
Hàng loạt sàn Việt bị triệt phá với số tiền hàng ngàn tỉ đồng.

Thời gian qua, hàng loạt sàn vàng “ảo” IG, IMMS, BBG, Thiên Việt... bị triệt phá. Hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư mất trắng nhưng “ma lực” làm giàu qua sàn vàng “ảo” vẫn thu hút người chơi.

Lợi dụng kinh nghiệm non nớt và tâm lý háo thắng của nhà đầu tư Việt, nhiều sàn ngoại đã đổ bộ vào để “vơ vét”. Trong đó, nổi trội là sàn ETC(Indonesia), TEC(Philippin) và BOL(Hồng Kông). Ba sàn trên đều nhận thấy tiềm năng của những nhà đầu tư Việt và coi đây thị trường “màu mỡ” để lừa đảo. Để khách hàng yên tâm, ba sàn trên đều thuê người Việt đứng tên pháp lý tại Việt Nam và chuyển một phần hệ thống phụ cho người đại diện quản lý.

Tuy vậy, toàn bộ số tiền người chơi đóng vào đều chuyển thẳng sang sàn chính. Người đại diện cũng chỉ hưởng lương hàng tháng như một nhân viên thông thường. Nếu chiêu dụ được nhiều khách hàng, người dại diện sẽ được hưởng thêm hoa hồng theo thoả thuận của nhà cái, thường sẽ ở mức 1 – 2 % số tiền khách đóng vào.

Theo T. - một “đầu nậu” vàng “ảo” cho hay “Các sàn trên chỉ mở ra một thời gian ngắn và khi lừa đảo được số tiền kha khá sàn sẽ “bùng” và đi lập một hệ thống khác. Việc truy tìm những sàn trên khó như “mò kim đáy bể” vì gần như sàn không để lại thông tin gì trước khi biến mất. Hình thức trên các sàn ngoại đã áp dụng nhiều ở Việt Nam nhưng thời gian gần đây thì rầm rộ hơn.

Cụ thể, cuối năm 2012, những người chơi vàng tài khoản tại Việt Nam sẽ không thể nào quên cú lừa ngoạn mục 3 triệu USD đầu tiên của sàn ETC. Sần gần một năm đầu tư tại Việt Nam, ETC đã tạo được một niềm tin nhất định đối với những nhà đầu tư. Do đó, ngày càng nhiều người chơi lao đầu vào sàn ETC với số tiền khủng.

Theo hồ sơ giao dịch đến thời điểm trước khi bỏ trốn, số tiền người chơi đóng vào sàn ETC đã xấp xỉ 3 triệu USD. Nhận thấy đã kiếm đủ ở thị trường Việt, sàn ETC đã đóng hệ thống và ngưng kết nối với tất cả các tài khoản. Sự việc khiến thị trường vàng tài khoản một phen hoảng loạn. Hàng trăm người chơi truy tìm người đại diện của sàn ETC để tìm hiểu thì người đại diện cho biết họ cũng không có cách nào liên hệ được với sàn cái. Nhiều người đã sang tận trụ sở đăng ký giao dịch chính của sàn ở Indonesia nhưng trụ sở đã biến mất. Toàn bộ thông tin về sàn cái và số tiền 3 triệu USD của nhà đầu tư Việt cũng biệt tăm không tài nào tìm ra nổi”.

Lách luật để lừa đảo

hang loat san vang ao van hoat dong chui
Hệ thống đồ thị của sàn vàng “ảo” dễ dàng bị can thiệp.

Không chỉ những sàn vàng “ngoại”, nhiều sàn vàng Việt như FX3a, Forex, P.N, DFX, IRON FX, NATURE FX … vẫn ngầm hoạt động và chiêu dụ khách hàng. Theo khảo sát của phóng viên Việt Nam mới, hiện tại ở TP HCM vẫn còn khoảng 10 sàn đang hoạt động. Mỗi ngày vẫn có hàng trăm “con thiêu thân” lao vào những sàn trên để “đốt tiền”.

Nhiều sàn thậm chí còn đông người chơi hơn sau vụ VGX. Theo bảng thống kê trên hệ thống của nhiều sàn lớn như DFX, IMMS, IRON FX, NATURE FX, số lượng người chơi đã tăng lên gần 10%. Để chiều lòng khách hàng, chiều ngày 20/9, giá vàng giao dịch cũng chốt ở mức 1216, khiến nhiều người chơi hài lòng.

Anh T.T.A cho biết: “Tôi đầu tư vào kênh vàng tài khoản đã gần 20 năm, thời gian qua thị trường có biến động nên tôi cũng chững lại. Tuy vậy, dạo này thấy các sàn đã hoạt động trở lại nên tôi cũng đầu tư theo để kiếm ăn chứ không biết làm gì khác. Các sàn hôm nay đều bán với giá 1215,5 USD/OUNCE, tôi thấy rất phù hợp nên đầu tư khá nhiều”.

Cũng giống như anh T.T.A, anh Linh(ngụ quận 1) cho hay: “Mấy tháng qua, tôi cũng tính nghỉ đầu tư vàng vì sợ những sàn vàng ở TP HCM sẽ nối gót sàn VGX, BBG, IMMS. Tuy nhiên, gần đây thấy những sàn lớn khác đã mở lệnh lại và hoạt động rầm rộ nên tiếp tục đầu tư. Dù biết nghề này kinh doanh may rủi nhiều nhưng tôi quen với kênh đầu tư này rôi nên cũng không biết làm gì khác. Nếu những sàn tôi chơi mà bị đánh sập thì tôi nghỉ chơi và kiếm thêm những sàn mới. Giờ có cả chục sàn ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài nên người chơi cũng không lo thiếu chỗ giao dịch”.

Để có thể thu hút nhà đầu tư ở thời điểm này, các sàn chủ yếu lấy danh nghĩa kết nối với sàn Forex lớn ở nước ngoài. Khi nhà đầu tư thấy liên kết “ảo” trên hệ thống thì nghĩ các sàn đã được “hợp thức hoá”. Đây chỉ là “chiêu” của các sàn để đánh vào “cơn say” của nhà đầu tư. Các công ty trên thực ra chỉ làm “hợp đồng” mô giới giả và người chơi vẫn chơi với sàn Việt chứ không hề có liên kết thực nào.

Điều này dẫn đến tình trạng, nếu khách hàng thua thì tiền vào tay họ, nếu khách hàng thắng lớn họ sẽ đưa ra lý do bị lỗi hệ thống nên không chấp nhận thanh khoản trên. Ngay sau đó, họ tự ý thay đổi đồ thị, mức giá khác khiến bạn không còn phần thắng nữa. Chính điều này làm cho nhiều đại gia phải ôm hận khi mất cả gốc lẫn lãi và không biết phải kiện tụng ở đâu vì nhà nước đang đứng ngoài cuộc trong trò may rủi này. Bản thân những sàn giao dịch cũng viện cớ chỉ là công ty mô giới nên không thể giải quyết những vấn nạn trên. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đã xuất hiện trên thế giới. Gần đây nhất có thể nói đến vụ lừa đảo hàng chục tỷ USD của một sàn ở Trung Quốc.

chọn
Hình ảnh tiến độ KCN hơn 2.300 tỷ đồng của Ecoland ở Hưng Yên
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 3 được thực hiện tại huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ và huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) có quy mô 159,7 ha với tổng vốn đầu tư là 2.310 đồng.