Hành trình IPO của giới startup Việt Nam trở nên gian nan hơn khi dính đòn Covid-19

Đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến giấc mơ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của hàng loạt startup Việt Nam kéo dài hơn nữa.

Trong số những doanh nghiệp có mức định giá trên 100 triệu USD ở Việt Nam, Yeah1 là là cái tên duy nhất đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, còn tập đoàn công nghệ VNG niêm yết không chính thức trên sàn OTC.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT của Yeah1, nói rằng công ty đã chuẩn bị 12 năm trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Thông tin mà ông cung cấp cho thấy sự kì công trong quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lí, sổ sách để IPO của doanh nghiệp Việt Nam.

"Hiện nay, có con đường ngắn hơn để IPO cho startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ là tìm kiếm các quỹ đầu tư, nhà đầu tư để sáp nhập tiến tới IPO, nhưng trước hết vẫn phải đảm bảo doanh nghiệp mình thật sự tốt", Chủ tịch Yeah1 phát biểu.

Bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Tâm Anh, nhận định, con đường IPO với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó, với các startup lại còn khó hơn. Theo bà, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khi IPO không phải là các yêu cầu về vốn, về tỉ suất lợi nhuận mà là sự sẵn sàng để minh bạch công ty cũng như những nguy cơ khi minh bạch. 

“Khi IPO, nhiều bên sẽ giám sát doanh nghiệp. Họ sẽ phải đối mặt những thông tin chính thức và cả những thông tin đồn thổi, truyền miệng và gây ảnh hưởng, có thể khiến họ điêu đứng”, bà Mai lập luận.

Dính đòn COVID-19, hành trình IPO của giới startup Việt Nam trở nên gian nan hơn - Ảnh 1.

VTV24 dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ không có startup nào chinh phục thành công hành trình IPO. (Ảnh: Techfest).

Đại dịch Covid-19 có thể làm tăng thời gian chuẩn bị IPO của nhiều startup. Qui định về niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hiện nay yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi trong hai năm. Sàn chứng khoán TP HCM yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 20 tỉ đồng, còn sàn chứng khoán Hà Nội yêu cầu 30 tỉ đồng.

Giới phân tích nhận định, trong điều kiện bình thường, đạt mức vốn điều lệ 20-30 tỉ đồng là mục tiêu rất khó với các startup. Và mục tiêu ấy càng trở nên xa vời hơn trong khủng hoảng Covid-19.

Tiki, một trong những sàn thương mại điện tử nổi bật ở thị trường Việt Nam, đã ôm mộng IPO trong nhiều năm, song hiện tại công ty vẫn lỗ lũy kế tới gần 1.800 tỉ đồng trong năm 2019. Giờ đây, Covid-19 như một đòn mạnh giáng vào Tiki, có thể khiến họ phải chờ vài năm nữa để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Ông Lâm Minh Chánh, người đồng sáng lập cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp, nhận định rằng khó khăn của startup lớn gấp nhiều lần so với doanh nghiệp lớn.

"Phần lớn startup không có nguồn vốn ổn định, gần như tiền tháng nào hết tháng ấy", ông Chánh bình luận.

Về phía các quĩ đầu tư, giải quyết những vấn đề của các startup họ đã rót vốn là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, thay vì nghĩ tới mục tiêu IPO xa vời.

Giám đốc phụ trách nghiên cứu và tiếp thị của Quĩ đầu tư Merlin Capital, ông Lê Hoài Ân, nhận định rằng Covid-19 là dịp để các nhà đầu tư kiểm chứng mô hình kinh doanh của các startup mà họ rót vốn.

"Không chỉ sàng lọc những startup có mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững, các nhà đầu tư còn điều chỉnh lại định hướng của các startup đó", ông Ân nói.

VTV24 dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ không có startup nào chinh phục thành công hành trình IPO. 

Song kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy chưa tới 10% quĩ đầu tư mạo hiểm trên thế giới coi IPO là kênh thoái vốn quan trọng. Trong khi đó, các quĩ đầu tư lại coi mua bán và sáp nhập là hình thức thoái vốn khả thi hơn.

Do đó, IPO chưa bao giờ là cách duy nhất để startup trở thành kì lần (doanh nghiệp có giá trị trên một tỉ USD). Điều quan trọng nhất, theo nhiều nhà phân tích, là chủ doanh nghiệp nên tự đánh giá ưu điểm, nhược điểm để xem doanh nghiệp phù hợp với con đường IPO hay không.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.