Ông Đỗ Quang Hiển (hay “bầu” Hiển) là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội động quản trị, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn T&T. Ông sinh ngày 29/10/1962 (Nhâm Dần), quê gốc tại Thái Bình.
Trước khi bước vào thương trường, ông tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý trường Đại học tổng hợp Hà Nội và trở thành nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.
Năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade), tiền thân của Tập đoàn T&T, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện máy của các thương hiệu lớn như Panasonic, National, Mitsubishi, Toshiba,...
Đến năm 2007, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, đổi tên thành CTCP Tập đoàn T&T như hiện tại và bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư phát triển các dự án tại Hà Nội, Nghệ An, TP HCM…
Hiện, Tập đoàn T&T hoạt động trên 7 lĩnh vực với hơn 40 công ty thành viên, bao gồm bất động sản; tài chính và đầu tư; công thương; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông; năng lượng, môi trường; y tế, giáo dục và thể thao.
Năm 2018, tổng tài sản của Tập đoàn T&T là 35.000 tỷ đồng, khi đó, vốn điều lệ của công ty là 15.000 tỷ đồng. Đến ngày 30/12/2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được nâng lên thành 22.000 tỷ đồng. Theo cơ cấu cổ đông mà công ty công bố gần nhất vào tháng 9/2018, ông Hiển sở hữu 98,467% tại Tập đoàn T&T.
Năm 2021, công ty đứng thứ 126 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, theo CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố.
Giai đoạn năm 2003 - 2006, thị trường bất động sản trong nước trải qua một thời kỳ đóng băng kéo dài. Đến năm 2007, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật được ban hành như Luật Xây dựng năm 2004, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006,...kéo thị trường hồi phục và tăng trưởng.
Đây cũng là thời điểm mà T&T chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.
Đối với lĩnh vực này, công ty hoạt động trên hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, khu đô thị; văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại; bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp.
Các dự án nổi bật của T&T có thể kể đến như T&T City Millennia (Long An, quy mô gần 300 ha), T&T Riverview (Hà Nội, diện tích sàn gần 0,9 ha), T&T DC Complex (Hà Nội, diện tích sàn hơn 0,2 ha), T&T Phố Nối (Hưng Yên, quy mô 5,3 ha), T&T Victoria (Nghệ An, diện tích sàn hơn 0,7 ha)…
Từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp liên tục đề xuất, nghiên cứu và khởi công nhiều dự án mới ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Gần đây nhất vào ngày 17/1, doanh nghiệp vừa tổ chức khởi công dự án Khu trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở T&T Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với điểm nhấn là khách sạn 25 tầng, cao nhất thành phố này. Dự án có quy mô hơn 10.000 m2, tổng vốn đầu tư trên 1.170 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2023.
Trước đó, công ty đã báo cáo quy hoạch ba dự án nghiên cứu tại tỉnh Quảng Trị, gồm dự án Khu tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf Cam Lộ (quy mô 615 ha); dự án Cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm 81 ngày đêm năm 1972 (quy mô khoảng 25 ha) và dự án Cảng hàng không Quảng Trị (quy mô hơn 265 ha, tổng mức đầu tư 5.823 tỷ đồng).
Giai đoạn năm 2019 - 2021, T&T đã đề xuất đầu tư và khởi công trên 30 dự án từ Bắc chí Nam, trong đó có các dự án vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, có thể kể đến như Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường tại Lào Cai (quy mô 7,7 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng); dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại Thanh Hóa (quy mô 84,8 ha, tổng vốn đầu tư 3.662 tỷ đồng); dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải tại Quảng Trị (quy mô hơn 21 ha, tổng vốn đầu tư 4.470 tỷ đồng); dự án Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ trung tâm TP Long Xuyên, An Giang (quy mô 3,5 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng)…
Theo thông tin trên website doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2021, mảng kinh doanh bất động sản này ước tính đã đem về hàng chục nghìn tỷ đồng cho T&T.
Bên cạnh Tập đoàn T&T, trên thương trường, ông Đỗ Quang Hiển còn được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Đây là nhà băng nằm trong Top10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất tính đến đầu năm 2022.
Năm 2006, khi Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade) đang thành công với lĩnh vực điện tử, ông rẽ sang lĩnh vực tài chính – ngân hàng với thương vụ đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của SHB và trở thành Chủ tịch ngân hàng.
Hiện số lượng cổ phiếu mà ông Hiển đang nắm giữ tại SHB là gần 73,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,75% vốn điều lệ.
Một trong những thương vụ đáng chú ý của ông trong lĩnh vực này phải kể đến thương vụ sáp nhập Habubank - ngân hàng cổ phần đầu tiên tại Hà Nội vào SHB hồi tháng 8/2012.
Nói về thương vụ này, “Với SHB, đây là thương vụ thành công hơn cả mong đợi. Bình thường SHB phải mất 5 năm mới có thể đạt được những gì có được sau sáp nhật, nhưng ở đây chúng tôi chỉ mất 7 tháng đã hoàn tất”, ông Hiển chia sẻ trong buổi họp báo sáp nhập hai ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính gần nhất của SHB, lũy kế ba quý đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế mà SHB thu được là 4.043 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của SHB tại thời điểm cuối quý III là 464.595 tỷ đồng, tăng gần 13% so với đầu năm.
Năm 2021, SHB đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam năm 2021 do Công ty tư vấn thương hiệu MiBrand Việt Nam công bố.
Bên cạnh ngân hàng, trong lĩnh vực tài chính, ông Hiển còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS); Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH);...
Ngoài ra, trong lĩnh vực thể thao, ông còn được biết đến là ông bầu của Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội (nay là Câu lạc bộ Hà Nội) với những cầu thủ nổi tiếng như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh,...
Ông hiện cũng đang giữ chức Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.