Sau loạt bài phản ánh về hàng loạt vỉa hè các tuyến phố được thay thế vật liệu cũ bằng đá xanh như Quang Trung, Nguyễn Du, Lê Trọng Tấn, Giải Phóng, Trần Phú, Nguyễn Trãi… câu hỏi được đặt ra là gạch block cũ có thể tái sử dụng được hay không, bởi nhiều nơi, gạch block cũ vẫn còn khá tốt.
Theo Ban quản lý dự án quận Hoàn Kiếm, gạch block cũ đa số đã xuống cấp, xộc xệch nên toàn bộ sẽ được loại bỏ khi thay thế gạch mới.
Thực tế, việc chỉ đạo của chủ đầu tư với các đơn vị thi công còn nhiều mâu thuẫn. Trong vai một khách hàng muốn mua gạch về lát 40 m2 sân vườn, PV đã trao đổi với một nhóm công nhân đang thi công vỉa hè trên tuyến phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng).
Cuộc ngã giá diễn ra rất nhanh chóng, đại diện nhóm công nhân tính toán rất nhanh số lượng gạch cần cho diện tích sân vườn nói trên. “3 giờ sáng, các anh cho xe qua đây, bọn em bốc cho 800 viên gạch là đủ dùng”, vị này nói. Về giá cả, tuy rằng nói “tùy tâm”, nhưng giá của 800 viên gạch block cũ này chắc chắn không dưới 1 triệu đồng.
Tiếp tục tìm hiểu về “đường đi” của hàng vạn viên gạch block cũ, chúng tôi tìm đến một số người dân đã từng mua gạch block để lát nền sân vườn. Ông Bình (quận Tây Hồ) cho biết, vừa mua hơn 1.000 viên gạch block để lát vườn nhà.
Loại gạch này là gạch thải sau khi lát vỉa hè, giá chỉ 1.300 đồng/viên chưa tính công vận chuyển. Theo ông Bình, gạch block này rất bền, khi lát cũng tiện lợi vì chỉ cần rải cát tự chèn, không cần xi măng bên dưới.
“Loại gạch này sử dụng trong điều kiện gia đình thì chục năm có khi còn chưa hỏng. Trong khi vỉa hè chưa hỏng đã thay rất lãng phí”, ông Bình nói.
Tại khu vực An Dương, Tứ Liên, Quảng An… rất nhiều người dân sử dụng loại gạch block cũ để lát sân nền, kê chậu hoa. Thậm chí, nhiều nhà sử dụng không hết còn vứt đầy loại gạch này ở ven ngõ. Anh Minh (phường Tứ Liên, Tây Hồ) cho biết thêm, do độ bền của vật liệu, cùng giá cả hợp lý nên gạch block cũ rất phù hợp với khu vực có sân vườn rộng.
Gạch block cũng có tuổi thọ đến 70 năm
Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khẳng định: “Việc vứt bỏ toàn bộ gạch block cũ là không đúng với nguyên tắc chung của quản lý đô thị hiện nay”.
Theo KTS Hanh, nguyên tắc quản lý đô thị hiện nay là tái sinh, tái sử dụng, biến vật liệu cũ trở thành những hàng hóa phục vụ cho xã hội thì chúng ta lại đem gạch block đi để san lấp mặt bằng rất lãng phí.
Dư luận cũng sẽ đặt câu hỏi có hay không việc lợi dụng để làm kinh tế, trong khi ngân sách nhà nước lại không thu được gì. Để sử dụng đá tự nhiên phải tính toán kỹ lưỡng hình khối, quy mô, kích thước, chịu lực… khác nhau. Nếu làm tổng thể toàn bộ theo “phong trào” thì rất khó đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Quang Tuyên, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Vật liệu xây dựng T.P khẳng định, gạch block nếu làm đúng tiêu chuẩn có độ bền rất cao, trong điều kiện thi công, bảo trì tốt, tuổi thọ loại gạch này có thể lên đến hơn 70 năm.
Theo ông Tuyên, gạch block có ưu điểm chịu lực nén cao giúp tăng tuổi thọ vỉa hè. Loại gạch này gần như “miễn nhiễm” với ảnh hưởng của môi trường, không bị mài mòn hay rêu mốc. Ngoài ra, nó còn giúp thoát nước cục bộ, giảm nhiệt độ bề mặt trong những ngày nắng nóng.
Hàng nghìn viên gạch block cũ được người dân mua lại để lát sân, nền. Ảnh chụp tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ). |
Theo dấu gạch cũ
Mặc dù lãnh đạo Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng khẳng định gạch block sau khi được dỡ bỏ sẽ được vận chuyển về bãi tập kết phế liệu Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) nhưng, chủ bãi tập kết lại khẳng định với PV Tiền Phong: “Không có một viên gạch block nào đổ về bãi Vĩnh Quỳnh”.
Ngày 1/12, PV Tiền Phong ghi nhận trực tiếp tại bãi phế liệu Vĩnh Quỳnh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thường Tín) – 1 trong 4 bãi tập kết do các đơn vị vệ sinh môi trường xã hội hóa phối hợp với các chủ sở hữu đất lập ra để chôn lấp.
Được biết, bãi phế thải xây dựng Vĩnh Quỳnh là nơi sau khi lát đá tự nhiên vỉa hè, toàn bộ gạch block cũ của quận Hai Bà Trưng sẽ được đưa về đây.
Chị Thanh (người dân xã Vĩnh Quỳnh, cạnh bãi phế thải) cho biết, không chỉ 1- 2 ngày gần đây mà nhiều tháng nay bãi tập kết này rất ít xe tải đổ, kể cả ban đêm. Theo chị Thanh, bãi đổ phế thải có diện tích khoảng 5 ha, nằm ngay sát nghĩa trang Văn Điển. Trước đây phần lớn là ao hồ, đến nay ao hồ hoàn toàn bị san lấp bởi các loại phế thải rắn.
Trao đổi với bảo vệ tại đây, người này cho biết, bãi đã quá tải, không còn nơi chôn lấp. Ghi nhận của PV tại bãi Vĩnh Quỳnh, các hố lấp đã đều ngập tràn phế liệu xây dựng.
Những diện tích tiếp xúc với khu dân cư và khu ao hồ bên cạnh cũng có dấu hiệu tràn phế liệu. Lãnh đạo bãi phế liệu Vĩnh Quỳnh xác nhận, thường thì phế liệu xây dựng khi có sửa chữa nhà cửa, đất gom đều được chuyển về bãi.
Nhưng một tháng số lượng rất ít, chỉ khoảng 100 khối, chở 2 xe ô tô to là hết. “Từ khi lật gạch lát lại vỉa hè đến nay vẫn chưa có bất cứ một viên gạch block nào được đổ về bãi. Chúng tôi cũng chưa ký bất cứ hợp đồng nào với các đơn vị thi công lát vỉa hè”, vị này nói.