Hệ thống giám sát của Bộ GTVT sẽ phát hiện 'giao dịch bất thường' ở trạm BOT

Bộ GTVT cho biết, hệ thống phần mềm giám sát trung tâm sẽ tiếp nhận dữ liệu thời gian thực từ trạm BOT gửi lên và tự động thực hiện phân tích kiểm tra dữ liệu để phát hiện ra các trường hợp nghi vấn như bán sai loại xe, sai mệnh giá, quay vòng vé, phân loại xe, các loại xe ưu tiên, lưu lượng xe bất thường, giao dịch bất thường, thu lệch tiền, thẻ E-tag không hợp lệ…

IMG_7726

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Giám sát các trạm BOT trong năm 2019

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống quản lí, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Cụ thể, dự án sẽ đầu tư hạ tầng đường truyền riêng biệt của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đến các Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Trước mắt thực hiện tại 66 Trạm thu phí/54 Dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang khai thác đến thời điểm hiện tại.

Dự án cũng thuê hạ tầng công nghệ thông tin gồm các thiết bị phần cứng như máy chủ, thiết bị lưu trữ dữ liệu; mua sắm phần mềm bản quyền hệ điều hành và phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu.

Được biết, Dự án sẽ đầu tư đường truyền tới trạm để truyền dữ liệu thu phí tức thời (dữ liệu thô, chưa qua hậu kiềm) về phần mềm giám sát trung tâm.

Đối với thu phí MTC, dữ liệu được truyền trực tiếp từ máy tính thu phí tại cabin thu phí về phần mềm giám sát trung tâm; đối với thu phí ETC, dữ liệu được truyền trực tiếp từ máy chủ hệ thống Front-end tại trạm về phần mềm giám sát trung tâm.

Sau đó, Hệ thống phần mềm giám sát trung tâm sẽ tiếp nhận dữ liệu thời gian thực từ Trạm thu phí gửi lên và tự động thực hiện phân tích kiểm tra dữ liệu để phát hiện ra các trường hợp nghi vấn (bán sai loại xe, sai mệnh giá, quay vòng vé, phân loại xe, các loại xe ưu tiên, lưu lượng xe bất thường, giao dịch bất thường, thu lệch tiền, thẻ E-tag không hợp lệ…), sau đó thông báo tới các bộ phận liên quan cũng như tới nhà đầu tư BOT trên giao diện phần mềm và email.

Dựa trên những số liệu đã được phân tích và cảnh báo này, nhà đầu tư BOT thông qua tài khoản được cấp sẽ tiến hành giải trình các trường hợp nghi vấn, các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra và xác nhận phê duyệt các giải trình này. Hệ thống sẽ tổng hợp báo cáo về hoạt động thu phí đối với từng trạm, phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Dữ liệu tại Trạm thu phí được truyền về phần mềm giám sát trung tâm thông qua đường truyền riêng biệt do dự án đầu tư, đảm bảo tính độc lập, đồng thời dữ liệu được mã hóa và đảm bảo an toàn dữ liệu.

Hệ thống giám sát được thực hiện một cách tự động, tức thời nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc giám sát thu phí. Hệ thống còn là công cụ khách quan để nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

"Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống phần mềm, đang triển khai kết nối dữ liệu với các trạm thu phí trong dự án. Dự kiến, sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Đây là một công cụ giám sát độc lập của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần làm tăng tính công khai, minh bạch của hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ", Bộ GTVT cho biết.

IMG_7751

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Thủ tướng yêu cầu báo cáo tiến độ thu phí tự động không dừng

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2019 về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng - đây được coi là công cụ để minh bạch BOT.

Cụ thể, Thủ tướng lưu ý, báo cáo phải nêu rõ tiến độ hoàn thành đối với từng trạm, khó khăn vướng mắc và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; biện pháp xử lí đối với các trường hợp không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng...

Được biết, để hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng, công khai, minh bạch trong quản lý nguồn thu tại các trạm thu phí, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó có chỉ đạo thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT.

Tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao triển khai hoàn thành toàn bộ các trạm trước 31/12/2019.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên (BOO giai đoạn 1) đã được triển khai.

Cụ thể, Bộ GTVT đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Tasco - VETC. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH thu phí tự động không dừng VETC.

Tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số 26 trạm thuộc hợp đồng ban đầu đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, giai đoạn 1 đã vận hành thương mại được 23 trạm; đã vận hành thử nghiệm 1 trạm (QL1 Lạng Sơn); lắp đặt, chưa vận hành do trạm chưa thu phí 1 trạm (trạm Cai Lậy); chưa đủ điều kiện triển khai ETC do đang dừng thu và chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vị trí đặt trạm 1 trạm (trạm tránh TP Thanh Hoá).

Được biết, trong 18 trạm ngoài QL1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên bổ sung vào dự án đã vận hành thương mại được 03 trạm (Mỹ Lộc, trạm An Sương - An Lạc, Tiên Cựu); 15 trạm còn lại sẽ triển khai trong năm 2019.

Về công tác dán thẻ, theo Bộ GTVT, số lượng xe đã được dán thẻ đến hết tháng 4/2019 là 730.000/3.000.000 xe (đạt 24,33% tổng số xe cả nước), tỉ lệ xe đã sử dụng dịch vụ thu phí ETC đạt 25%/tổng số xe đã dán thẻ.

Nhiều địa phương vẫn đang nghiên cứu

Đối với Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO giai đoạn 2), ngày 15/3/2018, Bộ GVT đã có Quyết định số 505/QĐ-BGTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng số trạm thu phí là 33 trạm.

Ngày 21/3/2018, Bộ GTVT đã có Quyết định số 557/QĐ-BGTVT ủy quyền Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BOO2.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành tổ chức đấu thầu rộng rãi và lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án là Liên danh Viettel - Vietinf - VVT- ITD.

Đối với các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, có 14 địa phương có trạm thu phí đang thu hoặc chuẩn bị thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Cụ thể, 4 địa phương gồm Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Nam Định đã triển khai lắp đặt đưa vào vận hành và kết nối vào Back-End của Công ty VETC.

Có 2 địa phương có trạm thu phí (Đắk Nông và Quảng Ninh) đã đưa vào dự án BOO giai đoạn 2 để triển khai.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, 8 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai thực hiện và kết nối vào Back-End của nhà cung cấp dịch vụ thu phí đã được Bộ GTVT lựa chọn.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có các văn bản để hướng dẫn địa phương triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, phối hợp để góp ý về hồ sơ thiết kế, dự toán đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng trên các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền", Bộ GTVT cho biết.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.