Hiện trạng khu đất cải tạo để nối dài công viên sông Sài Gòn

Khu đất dài hơn một km ven sông với nhà lụp xụp, rác thải, cây cỏ um tùm, cách trung tâm TP HCM hơn 2 km, được đề xuất cải tạo để nối công viên hiện hữu.

 

Mới đây, thành phố đề xuất cải tạo khu đất ven sông Sài Gòn (góc trái), đoạn từ cầu Ba Son tới cầu Thủ Thiêm phía TP Thủ Đức, nhằm nối liền công viên bờ sông phía Khu đô thị Thủ Thiêm hiện hữu đã khai thác gần một năm nay.

Khu đất cải tạo làm công viên dài hơn 1,1 km, bề ngang 100-120 m, tổng diện khoảng 10 ha, cách phố đi bộ Nguyễn Huệ và chợ Bến Thành (quận 1) chừng 2-3 km. Việc triển khai công viên được Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm nay. Toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

 

Phương án thiết kế công viên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức

 

Ven sông Sài Gòn phía Khu đô thị Thủ Thiêm được quy hoạch làm quảng trường, công viên nhằm tạo điểm nhấn, định hình nét văn hóa đặc trưng cho TP Thủ Đức nhưng chưa triển khai.

Trước đó, cuối năm 2023, TP Thủ Đức huy động vốn xã hội hóa chỉnh trang, đưa vào khai thác công viên đoạn từ hầm vượt sông Sài Gòn đến cầu Ba Son (góc phải). Hiện đây là khu vực tập trung đông người dân, du khách đến vui chơi, nhất là buổi tối và những ngày cuối tuần.

 

Khu đất hiện là thảm thực vật tự nhiên, chủ yếu là cây dại, dừa nước, cỏ ven sông. Địa hình ở khu vực không bằng phẳng, có hướng thấp dần về phía sông.

 

Một số vị trí có địa hình trũng thấp, ngập nước, kênh rạch chưa được cải tạo. Theo đề xuất, khu vực sông nước sẽ không san lấp ngăn dòng. Cầu ở đây sẽ được cải tạo để kết nối khu vực, phần bờ sông sẽ gia cố cừ tràm, bao cát chống sạt lở.

 

Dưới chân cầu Thủ Thiêm vẫn còn một số dãy nhà lụp xụp ven sông cùng nhiều thuyền bè neo đậu.

 

 

Khu dân cư nhỏ với khoảng 10 căn nhà lợp tôn dưới chân cầu nằm sát bờ sông. Nơi này cây cối mọc um tùm, rác thải chất thành bãi lớn.

 

Người dân ở đây chủ yếu dân lao động, buôn bán nhỏ lẻ, làm chài lưới, thu gom phế liệu, sống ven sông từ nhiều năm nay.

 

Trong khu đất chủ yếu là các con đường dân sinh, hai bên ngập rác thải, xà bần, cây dại...

 

 

Một phần nhỏ diện tích khu đất được chủ đầu tư dự án chung cư tại đó cải tạo thành công viên nội khu biệt lập, ngăn bằng rào tôn, hạn chế người ngoài vào.

Công viên nội khu hiện hữu và khu vực xung quanh sau cải tạo sẽ hình thành đường đi dạo, chạy bộ ven sông, đan xen cùng với các sân đa năng, nhà điều hành, bãi đậu xe cùng các tiện ích khác.

 

Tại phần đất gần chân cầu Ba Son, chủ đầu tư dự án cao ốc ở đây đã cải tạo, trồng cỏ và rào lại để hạn chế người ra vào. Bao quanh đó có đường Nguyễn Thiện Thành dẫn ra bờ sông nhưng cũng bị rào lại.

Theo đề xuất, phần đất gần cầu Ba Son là nơi tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoài trời, cắm trại, dã ngoại, hoặc trại sáng tác. Nơi đây được bố trí thảm cỏ, trồng cây xanh, hạng mục tiểu cảnh, hệ thống thoát nước, đèn đường và đèn trang trí...

 

Đường Nguyễn Thiện Thành cạnh khu đất đã hoàn thiện, trồng cây xanh, vỉa hè nhưng đoạn vào khu cao ốc bị rào lại nên chưa thể kết nối đồng bộ với các đường khác. Các đường hiện hữu ven sông Sài Gòn sẽ cải tạo thành vực chạy bộ và xe đạp ở công viên.

 

Toàn cảnh Khu đô thị Thủ Thiêm cùng công viên bờ sông Sài Gòn nhìn từ quận 1.

Theo đơn vị đề xuất, với vị trí đắc địa mặt tiền sông, đối diện là bến Bạch Đằng, khu biệt thự Ba Son, công viên bờ sông phía Thủ Thiêm giúp cải tạo cảnh quan cả khu vực và góp phần phát triển kinh tế, du lịch.

Toàn TP HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở thành phố hơn 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.

 

Vị trí được đề xuất cải tạo để làm công viên. Đồ họa: Đăng Hiếu