Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành trị giá gần 2.000 tỷ đồng bắc qua sông Đuống, với thiết kế 5 vòm thép từ mặt nước tới đỉnh cao 87 m, mang hình tượng rồng, dự kiến thông xe cuối tháng 6.
VIDEO Video: Hình ảnh mới nhất về cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành.
Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành bắc qua sông Đuống, nối huyện Tiên Du và Thuận Thành, được khởi công từ năm 2018. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh với chiều dài hơn 1,5 km, tổng mức đầu tư 1.927 tỷ đồng.
Cầu có kiến trúc với 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm.
Sau gần 5 năm xây dựng, cầu dự kiến thông xe cuối tháng 6 tới. Theo thiết kế, phần thân cầu được làm bằng bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu; mặt cắt ngang cầu rộng 22,5 m, thiết kế 4 làn ôtô, lề bộ hành mỗi bên 2 m, cầu chính dài 440 m, cầu dẫn phía bắc dài hơn 623 m, phía nam dài hơn 173 m.
Từ tháng 3, cầu hoàn thành lắp đặt 5 nhịp vòm thép. Đây là hạng mục có kỹ thuật và biện pháp thi công phức tạp, khó nhất của dự án.
Từ mặt nước lên tới đỉnh vòm cao khoảng 87 m, cao nhất Việt Nam. Để thi công hạng mục nhịp vòm thép, nhà thầu phải huy động cần cẩu nặng 800 tấn từ miền Nam di chuyển khoảng một tháng bằng đường thủy.
Hiện cầu đã hoàn thiện hơn 90% khối lượng công việc.
Từ cầu Phật Tích, người dân có thể tham quan nhiều danh lam thắng cảnh của Bắc Ninh như lăng Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích.
Hiện các đường dẫn hai đầu cầu cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Sông Đuống vốn là tuyến đường thủy kết nối 3 địa phương lớn của miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là cầu thứ 6 vượt sông Đuống, sau cầu Đuống, Đông Trù, Phù Đổng, Bình Than và cầu Hồ.
Khi thông xe, cầu Phật Tích hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực bắc Đuống và nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh; giúp kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua các quốc lộ: 1, 5, 17, 38 và các tỉnh lộ 276, 287…
Hiện dự án này đang còn một số hạng mục dang dở.
Cụ thểm là tại công trường đang có khoảng 20 công nhân làm việc liên tục để căng dây cáp.
Đây là một trong những hạng mục cuối của dự án.
Phần lan can cầu cũng đang được thi công. Ngoài ra, nhà thầu sẽ được căng cáp, thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp gò lan can, tay vịn; thi công khe co giãn, hệ thống điện chiếu sáng và chống sét.
Dự án này được hợp long phần cầu dẫn ngày 30/6/2022. Sau 1 năm, dự án sắp được đưa vào hoạt động.