Theo tìm hiểu của người viết, sân bay Gia Bình được Bộ Công an khởi công vào đầu tháng 12/2024, diện tích khoảng 125 ha, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Ban đầu, đây là sân bay trực thăng cấp 3, quân sự cấp 3, dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO.
Sân bay Gia Bình sẽ phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân công an nhân dân, dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), dự bị cho các cảng hàng không, sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp.
Đây cũng là sân bay được định hướng đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại tàu bay cánh bằng loại lớn.
Ngày 12/2/2025, Bộ GTVT đã Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung Quyết định, Sân bay Gia Bình được bổ sung vào quy hoạch với quy mô là cảng hàng không quốc tế.
Theo quy hoạch mới nhất, Sân bay Gia Bình sẽ được xây dựng đạt cấp 4E; công suất thiết kế dự kiến khoảng 1,0 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021-2030, khoảng 3,0 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.
Sân bay Gia Bình dự kiến có thể tiếp nhận máy bay lớn như A350 và Boeing 787.
Ngoài ra, sân bay có thể vận chuyển hàng hóa từ 250.000 đến một triệu tấn, dự kiến nâng lên 1,5-2 triệu tấn mỗi năm trong tương lai. Sân bay có diện tích quy hoạch khoảng 363,5 ha tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tăng gần gấp ba so với diện tích hiện nay.
Bên cạnh hoạt động hàng không quân sự, Gia Bình dự kiến khai thác các tuyến bay nội địa trục Bắc - Nam, kết nối các sân bay tại TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ; tuyến bay chuyên cơ trực tiếp đến sân bay các nước và ngược lại.
Sân bay sẽ khai thác các tuyến bay trực tiếp vận chuyển hàng hóa đến các nước mà Việt Nam đã mở đường bay thương mại.