Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp

Ngày 27/4, tại Nam Định, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp, nhằm sửa đổi bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN ).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và hơn 2 năm thực hiện Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP, việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã tồn tại nhiều vấn đề cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế.

"Việc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thực sự cần thiết nhằm xây dựng hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý và phát triển cụm công nghiệp", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tại hội nghị này, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cho hay, hiện vẫn còn không ít cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ; thiếu khu xử lý nước thải. Việc quản lý Nhà nước thiếu hiệu quả, xuất hiện các vi phạm về đất đai, môi trường, xây dựng trong cụm công nghiệp, quản lý các cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do có nhiều mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đại diện Sở CôngThương các tỉnh, thành phố đề nghị, Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp mới cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Môi trường để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Đặc biệt là thống nhất mô hình quản lý, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cụm công nghiệp; phân cấp, phân quyền cho địa phương để chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát thực hiện các quy định về an toàn, xử lý vi phạm tại các cụm công nghiệp.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng khẳng định, việc hình thành các khu, cụm công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động.

Tuy nhiên, thực thế cho thấy, việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề liên quan đến việc xử lý, chuyển giao các cụm công nghiệp do đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước là chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý cụm công nghiệp.

Vì vậy, Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cần nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa, bổ sung để Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp sát hợp với thực tiễn vận động, phát triển; trong đó, phải tính toán yếu tố đặc thù ở vùng, miền, khu vực, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp phù hợp.

Các cụm công nghiệp cần đảm bảo yếu tố về diện tích, thống nhất mô hình quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm giải quyết triệt để tình trạng thành lập cụm công nghiệp nhưng thiếu các điều kiện, dịch vụ phục vụ sản xuất, gây khó khăn trong thu hút đầu tư, sản xuất dẫn đến lãng phí.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo cho hay, cần xem xét, quy định cụ thể về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất tại cụm công nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp thuê đất, xin giấy chứng nhận đầu tư xong chậm triển khai dự án. Đồng thời, phải quy định cụ thể thời hạn bị thu hồi đất và giấy phép đầu tư nếu không tổ chức sản xuất.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình Trần Huy Quân cho rằng, xây dựng, phát triển cụm công nghiệp nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hiện Thái Bình có 35/50 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu thút hơn 460 dự án sản xuất kinh doanh với tổng số vốn trên 30.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 55.000 lao động.

Tuy vậy, tại Thái Bình đang tồn tại 3 mô hình quản lý cụm công nghiệp đó là Cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư, quản lý; cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng và cụm công nghiệp có hai đơn vị cùng quản lý (UBND huyện quản lý diện tích cụm công nghiệp đi vào hoạt động từ trước năm 2017 và doanh nghiệp quản lý đầu tư hạ tầng phần diện tích mới mở rộng).

Những cụm công nghiệp do UBND huyện quản lý do ngân sách khó khăn, ảnh hướng lớn đến việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, không ít cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải gây khó khăn cho thu hút đầu tư và sản xuất.

Từ thực tế tại tỉnh Thái Bình, ông Trần Huy Quân kiến nghị, Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cần có phương án, hướng dẫn các tỉnh, thành phố chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ UBND huyện sang doanh nghiệp, vì hiện nay chưa có cơ chế pháp lý, nhất là đối với những cụm công nghiệp do UBND huyện quản lý, diện tích hẹp, không thể mở rộng, được thành lập trước khi có Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.