Nghị định số 32/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/3 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ 1/5. Chính sách mới quy định rõ điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Cụ thể, nghị định quy định thành lập cụm công nghiệp phải đáp ứng điều kiện có trong danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện.
Đồng thời, có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100 ha. Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, quy định phạt tiền từ 5 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào các hành vi vi phạm.
Về việc mở rộng cụm công nghiệp, cần đáp ứng các điều kiện: tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện; có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% hoặc nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp; hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung thiết yếu (gồm đường giao thông nội bộ, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Đối tượng áp dụng gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp.