Theo báo cáo kinh tế xã hội năm 2022 của Cục Thống kê Hải Phòng, GRDP cả năm ước tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2022 tăng từ 13%), đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Về hoạt động đầu tư, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của Hải Phòng ước đạt 180.621,7 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ và bằng 90,30% kế hoạch (kế hoạch 2022 là 200.000 tỷ đồng).
Năm qua, nguồn vốn đầu tư công của Hải Phòng được phân bổ có mức tăng cao và tỷ lệ giải ngân tính đến tháng 12 đạt gần 80%. Đây là kết quả giải ngân cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế tốc độ giải ngân thực hiện vốn đầu tư công vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc mang tính cố hữu. Trong đó, tiến độ thi công của các dự án còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và giải ngân.
Các dự án trọng điểm năm 2022 chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch vì nhiều lý do khách quan, trong đó chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, người dân chưa đồng thuận với chi phí đền bù, hỗ trợ đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ còn do quy hoạch chung xây dựng thành phố chưa được phê duyệt điều chỉnh.
Trong quá trình triển khai, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư còn chưa tích cực trong công tác phối hợp giải quyết. Ngoài ra, nguyên nhân biến động tăng của giá vật tư, nguyên nhiên vật liệu, lãi suất ngân hàng và khan hiếm vật liệu cát san lấp nền đã phần nào ảnh hưởng tới tiến độ thi công cũng như thực hiện thủ tục đầu tư của các dự án.
Ở khu vực ngoài nhà nước, năm 2022, vốn đầu tư thực hiện tại Hải Phòng ước đạt 97.148,1 tỷ đồng, tăng 6,36% so với cùng kỳ. Trong đó tập trung chủ yếu ở vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 73.932,4 tỷ đồng, chiếm 76,10%, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những dự án được đẩy mạnh đầu tư thì trong 12 dự án trọng điểm của thành phố dự kiến khởi công trong năm 2022 thì có 3 dự án đảm bảo đúng tiến độ, 9 dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư.
Ở khu vực FDI, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 60.164,4 tỷ đồng, tăng 19,38% so với năm 2021. Điển hình ở khu vực này là 3 nhà máy của tập đoàn LG tại Hải Phòng, tập trung chủ yếu ở dự án LG Display với nhà máy H3 đang xây dựng, LG Innoteck đầu tư mạnh máy móc thiết bị ở nhà máy V2, Công ty Pegatron đẩy mạnh xây dựng nhà máy tại Thủy Nguyên giai đoạn 2 và Dự án xây dựng nhà ở công nhân tại quận Hải An với vốn đầu tư khoảng 1.560 tỷ đồng.
Tính đến 15/12/2022, Hải Phòng có 852 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 24,568 tỷ USD.
Từ đầu năm đến 15/12/2022, toàn thành phố có 88 dự án cấp mới đến từ 13 quốc gia với số vốn đầu tư đạt 1,121 tỷ USD, tăng 220,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 1,003 tỷ USD (chiếm 89.52%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 117,52 triệu USD (chiếm 10,48%).
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 40 dự án, với số vốn tăng là 910,12 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 128 dự án, vốn đầu tư đạt 2,03 tỷ USD.
Tính từ nửa cuối tháng 11 đến 15/12/2022 có 2 dự án cấp mới và 40 dự án điều chỉnh tăng vốn. Đối với dự án cấp mới, đáng kể nhất là dự án Trung tâm Module Toàn cầu với tổng vốn đăng ký 52 triệu USD. 2 dự án điều chỉnh tăng lớn là Dự án Pegatron của nhà đầu tư Đài Loan với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng là 300 triệu USD và dự án Công ty TNHH Agape Việt Nam của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng là 126,95 triệu USD.
Liên quan đến đầu tư công, trước đó, tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm 2022, Cục Thống kê TP Hải Phòng cho biết, thành phố này đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thi công một số dự án trọng điểm đảm bảo hoàn thành đúng hạn vào ngày 30/4 năm nay như: Dự án tuyến đường nối từ cầu Lạng Am Lý Học đến tuyến đường bộ ven biển, dự án mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình (Km 0- Km 19+645)…
Trong thời gian tới, hạ tầng giao thông của thành phố tiếp tục được mở rộng, nhiều dự án trọng điểm đẩy mạnh liên kết vùng được triển khai như: Cầu Bến Rừng nối huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh); Cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, các tuyến đường vành đai thành phố, các bến mới tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện…
Một số dự án được dự kiến hoàn thành năm 2022 như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, dự án đường nối tỉnh lộ 361 đến 353 huyện Kiến Thụy…
Ngoài ra, trong tháng 10 năm 2022, thành phố cũng tiến hành khởi công dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2 (đoạn từ cầu Lạc Long đến Hoàng Văn Thụ) với tổng mức đầu tư hơn 557 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Bên cạnh những dự án đang triển khai thực hiện ổn định, vẫn còn những dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân.
Một số dự án lớn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cần được quan tâm thúc đẩy nhanh như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 TP Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - Đường Bùi Viện, dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352...
Theo báo cáo của Cụ Thống kê Hải Phòng, các dự án này cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư bám sát kế hoạch đã đề ra để việc giải ngân theo kế hoạch. Ngoài ra, việc triển khai các dự án thuộc chương trình công viên cây xanh và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng chưa đáp ứng yêu cầu.