Kể từ tháng 1 năm nay, do nhu cầu lao dốc trong đại dịch Covid-19, sản lượng dầu thô trên toàn thế giới ước tính giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày, trong đó Mỹ đóng góp hai triệu thùng/ngày.
Theo một phân tích đăng tải trên tạp chí World Oil, ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới đang trải qua "điều kiện tài chính và hoạt động chưa từng có". Nếu tiếp tục, ngành dầu mỏ có thể đi đến giai đoạn ảm đạm nhất kể từ Thế chiến II.
Tổng biên tập Kurt Abraham của World Oil cho biết, số lượng giếng khoan dầu trên toàn cầu sẽ giảm 26,6% xuống con số 47.099 trong năm 2020.
"Mỹ, Canada, Nga và Trung Quốc sẽ chiếm 84% tổng số giếng khoan. Ngoài ra, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về số lượng giếng khoan trong năm 2020", ông Abraham nói thêm.
Tại Mexico, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador dường như chưa từ bỏ nỗ lực khôi phục công ty nhà nước Pemex về trạng thái trước khi cải tổ. Trong quí I năm nay, Pemex báo cáo khoản lỗ 23,6 tỉ USD do giá dầu giảm và giá trị đồng peso tụt mạnh.
Khoản lỗ buộc Pemex phải tạm ngừng hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ và nhà cung ứng, khiến công ty phải sa thải khoảng 8.000 nhân viên.
Báo cáo của World Oil nêu rõ, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela gần như suy sụp dưới sự dẫn dắt của PDVSA - công ty nhà nước từng rất thành công trong quá khứ. Sản lượng dầu thô của Venezuela giảm mạnh từ 890.000 thùng/ngày hồi tháng 1 xuống còn khoảng 200.000 thùng/ngày trong tháng 8.
"Trong cả năm 2020, chúng tôi dự báo số lượng giếng khoan của Venezuela sẽ giảm 66%. Trong giai đoạn tháng 6 - 8/2020, chỉ duy nhất một giếng dầu tại đất nước Nam Mỹ này hoạt động", theo báo cáo của World Oil.
Arab Saudi - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đi đầu trong việc kêu gọi và tập hợp liên minh dầu mỏ OPEC giảm nguồn cung để thích ứng với nhu cầu dầu mỏ hiện tại.
OPEC đã đồng ý giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày, sau đó giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày. Sau khi OPEC giảm sản lượng dầu thô, hoạt động khai thác dầu cũng đi xuống. World Oil dự báo tính cả năm 2020 thì số lượng giếng khoan ở Arab Saudi sẽ giảm 15,2% và ở khu vực Trung Đông giảm 7,5%.
Đầu tư vào hoạt động khai thác dầu mỏ ở Nga đã giảm tới 30% và World Oil dự đoán số lượng giếng khoan sẽ giảm 11% trong năm nay. Năm ngoái, sản lượng dầu thô của Nga tăng 0,9% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên tính đến giữa mùa hè năm nay, sản lượng đã giảm khoảng 17% so với cùng kì năm 2019.
Iraq đã sản xuất quá hạn ngạch dầu thô vào đầu năm nay nhưng nước này hiện đang cố gắng tuân thủ cam kết với liên minh OPEC . Chính phủ Iraq đã yêu cầu gã khổng lồ BP giảm khoảng 10% mức khai thác tại mỏ Rumaila - mỏ dầu lớn nhất nước này để đồng hành cùng OPEC .
Báo cáo của World Oil dự đoán số lượng giếng khoan ở Iraq sẽ giảm 36,9% trong cả năm 2020, trong khi sản lượng tăng 3,2%.
Trong khi đó, hoạt động khai thác và sản lượng dầu thô của Brazil đang tăng lên. "Tính đến tháng 8, hoạt động khoan dầu ngoài khơi của Brazil đã tăng 38% so với mức trung bình năm 2019", World Oil cho hay. Tạp chí này dự đoán hoạt động khoan dầu của Brazil sẽ tăng 36,3% trong cả năm nay.