Ông Phạm Quang Nghị thời gian đi chiến trường.
Mới đi được 1 tháng, một nửa tiểu đội phải nằm lại trong các bệnh xá vì sốt rét. 6 tháng vượt Trường Sơn, Phạm Quang Nghị phải 5 lần nằm lại bệnh xá bệnh viện.
Đồng đội của anh có người vĩnh viễn nằm lại binh trạm vì sốt rét ác tính tiểu ra máu như Nguyễn Văn Kim. Những ngày đêm dằng dặc gian khổ chết chóc rồi mới tới được vị trí công tác. Bươn bả những chuyến thâm nhập thực tế dài ngày ở chiến trường ác liệt Bù Đốp, Lộc Ninh, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long.
Những ngày ở R. và nhất là vùng ven lộ 4 cùng vùng ven Đồng Tháp Mười cho tới ngày 30/4/1975. Lộ trình máu lửa ấy đã được thể hiện trong cuốn nhật ký gần 500 trang in khổ 16x24cm Nơi ấy là chiến trường (NXB Hội Nhà văn 1/2019) mà tác giả là Phạm Quang Nghị.
Ngổn ngang bộn bề đậm đặc bao nhiêu là chuyện chiến trường. Cái mạch cuốn hút để người đọc khó lơi bỏ của một cuốn nhật ký tày tặn có lẽ là mẫu số chung của các cuốn nhật ký chiến tranh. Đó chính là sự chân thật không hư cấu. Khi bàng bạc khi đậm đặc âm hưởng chủ đạo của sự trải nghiệm sâu kín, tiếng nói nội tâm chân thật giản dị, hành trình tinh thần của một sinh viên một trí thức trẻ đi vào trận mạc.
Cung cách nhớ gì kể nấy, là liệt kê, tổng thành những con số cộng sự kiện cũng là cái cách ghi nhật ký. Nhưng Phạm Quang Nghị không ôm đồm, dàn trải. Những chi tiết chắc khừ, ròng ròng sinh khí, tươi roi rói như mới cắt ra từ hiện thực chiến tranh được người ghi không bày biện, bình xét gì. Nhiều mẩu, nhiều chuyện chỉ mấy chục chữ thôi nhưng xứng đáng cho chất liệu một truyện ngắn, tiểu thuyết.
Cuốn nhật ký tác phẩm Phạm Quang Nghị.
Anh Cừ, Trạm phó một binh trạm ở cửa ngõ miền Đông đã viết 146 lá thư gửi về quê nhà mà không nhận được một chữ hồi âm nhưng cứ vẫn viết và gửi tiếp.
Rồi một sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Có cha tập kết ra Bắc. Làm tình báo. Dùng máy truyền tin gọi máy bay đến đánh phá giết hại bà con vùng giải phóng.
Và hắn cũng bị thương phải vào nằm viện của Việt Cộng. Được đối xử tốt, giày vò ân hận tìm cách tự tử. Cắn lưỡi lần thứ hai mới chết. Em gái lại xin vào hàng ngũ Giải phóng và thành một cán bộ tốt (Nhật ký, 16/6/1972). Ở ấp nọ, vì hoạt động phải đi khuya về sớm, mẹ vất vả vì con còn bú. Mẹ cực, con cũng cực.
Thằng bé khát sữa khóc ngằn ngặt. Thằng Hai trông em dỗ mãi không nín. Nghĩ ra cách cho em bú chó. Em về mét (mách) mẹ. Mẹ la, ai bảo mày cho em bú chó. Thằng Hai sợ len lén đáp, con nặn thấy sữa chó cũng trắng, nếm cũng ngọt như sữa mẹ mà! (Nhật ký 30/10/1974).
Xen giữa những liệt kê kể chuyện, một dung lượng vừa phải của cuốn nhật ký là cách viết chỉ lẩy, phác qua sự kiện, sự kiện là cái cớ để những suy ngẫm, liên tưởng bám theo vượt thoát lên sự việc, con số đem lại những hiệu ứng bất ngờ cho thể loại nhật ký. Ngay từ khi rất trẻ, mới 23 tuổi thôi đấy nhé, có vẻ như anh tân dân binh Phạm Quang Nghị đã rất có… nghề?
... Ta chấp nhận bao dung nó. Mà ta cứ nín chịu như ăn ớt vậy. Cay xé miệng xuýt xoa giàn giụa cả nước mắt mà vẫn thốt lên ngon quá xá! Và thâm tâm ta lại nghĩ lần sau đừng có ăn vậy nữa. Nhưng có bao giờ trái ớt ta ăn hôm nọ lại trở về với bữa ăn thứ hai trong đời ta… (trang 90-91 Nhật ký).
Trận bom Mỹ quái ác nơi quê nhà
Ít người biết trước ngày anh sinh viên Khoa sử vào chiến trường B thì ngay quê nhà Định Tân, Yên Định cũng từng là một góc trận mạc bi thương.
Có chi tiết mà ông Nghị không nhắc đến trong cuốn hồi ký là trận bom Mỹ quái ác mùa đông năm 1966 đã giết chết gần trăm dân lành của Định Tân trong đó có hai người em gái của Phạm Quang Nghị. Cái đận tang thương ấy đã lùi xa nhưng vẫn mồn một trong ký ức...
Làng Hoành thuộc Định Tân của ông Nghị ngay sát làng tôi cách con sông Mã. Chiều ấy làng có đám tang.
Thú thực đến tận bây giờ tôi vẫn nghi hoặc với những leo lẻo lẫn bẻm mép của cánh lái máy bay Hoa Kỳ rằng, những thiết bị tối tân từ độ cao nhiều ngàn mét của chúng có thể đọc được mồn một đâu là mục tiêu dân sự, quân sự và chỉ nhằm vào mục tiêu quốc phòng của Bắc Việt Nam mà thôi?!
Thế mà đã cố tình nhìn gà hóa cuốc, năm chiếc F.105 Thần Sấm sét với AD6 Thập Tự quân thay nhau bổ nhào xuống đám tang dân lành men dọc sông Mã ngày ấy.
Cũng cần nói thêm, chứng kiến cùng lũ trẻ làng tôi trên quả đồi ngó xuống xã Định Tân ngay sát sông Mã có những chàng trai lực lưỡng của một đơn vị thuộc sư 308 mà tôi quên mất phiên hiệu.
Đơn vị ấy trú quân ở làng tôi hơn 8 tháng để luyện tập trước khi ra trận. Những chàng trai Hà Nội trong đó có anh chiến sĩ Chu Lai (khi đó chưa viết lách gì thì phải?), mắt ai cũng ngầu đỏ bởi mục sở thị chứng kiến cảnh thảm sát đồng bào mình nhưng bất lực.
Bởi lệnh không được nổ súng sợ làm lộ toàn bộ vị trí đội hình sư đoàn đang trú. Sau này biết thêm cậu học sinh cấp 3 Vĩnh Lộc Phạm Quang Nghị và đám bạn cũng may mắn thoát chết sau buổi tan trường. May mà họ nhỡ chuyến đò ngang sang Định Tân. Chuyến đò trước đã tan tành bởi những loạt bom bất ngờ, quái ác!
Biến cố bi thương ấy xảy ra chỉ sau 6 năm thì anh con trai trưởng Phạm Quang Nghị tình nguyện khoác ba lô vào chiến trường. Hoàn cảnh bố biền biệt công tác, mẹ ở nhà vò võ…
Nên có nhiều dòng nhiều trang trong nhật ký người mẹ luôn xuất hiện trong trạng thái giật thột thảng thốt. Mà hầu hết trong những giấc mơ đa phần là ác mộng, rằng không biết có sống để về với mẹ? Và mẹ có còn đợi được mình về? Trong những giấc mơ của dòng vô thức bản năng được phép cựa tung hết chiều kích của nó.
Cái thực cái quý là chỗ ấy. Từng kinh qua những quyền chức, thận trọng ra Phạm Quang Nghị có thể cẩn trọng biên tập lại những giờ phút gọi là yếu mềm bản năng ấy? Lần ấy ông có bộc bạch, “Tôi và biên tập viên cố gắng trung thành tối đa với những con chữ gần nửa thế kỷ xô lệch trong những trang giấy đã ố vàng, nhiều tờ dính bết vào nhau. Phải nhẹ tay tách khéo sao cho khỏi bị rách.
Nhiều chỗ mực đã mờ phải đoán mãi mới ra. Nhiều trang từ ngữ văn phong bây giờ đọc lại thấy vụng về trúc trắc. Nhưng đó chính là con chữ của tôi, một người lính Trường Sơn sốt rét tưởng chừng không sống nổi, một phóng viên chiến trường không chuyên, một cán bộ tuyên huấn đi thực tế vùng ven, một cán bộ Việt Cộng nằm vùng thứ thiệt”.
Na ná cách nói của G. Maquez là trung thực đến cả cái dấu chấm than. Có được cung cách và phẩm chất ấy thì mới cẩn trọng và thành thực ghi những dòng đầu tiên trong trang mở của cuốn nhật ký: Kính dâng lên Mẹ. Kính tặng bạn bè, đồng đội người thân những vùng đất gian lao nơi tôi đã sống và chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt.
Hồi ký, tại sao không?
Cựu Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị may mắn được giời ban năng khiếu về việc viết (ngoài cuốn nhật ký Nơi đây là chiến trường, ông đã có gần mười đầu sách tày tặn viết về mảng chính trị và văn hóa). Nhưng có lẽ vẫn chưa đủ! Tôi có nghe ông đang sở hữu mấy chục cuốn dạng nhật ký, sổ biên việc ngoài phạm vi công tác.
Hình như ông vẫn bền được thói quen biên chép thể nhật ký về những năm tháng ở quyền cao chức trọng ấy như cái hồi tuổi hoa niên? Và đang mường tượng lẫn hồi hộp một ngày đẹp giời nào đó, bạn đọc sẽ bất ngờ đón nhận những trang hồi ký của ông! Hồi ký, tại sao không? Hồi ức về những năm tháng không dễ dàng thời gian ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa và nữa, có tới 10 năm ở cương vị “Tổng đốc” Hà thành.
Chao ôi, ông sẽ khai mở sẽ bộc bạch sử dụng mảng miếng sự kiện nào từ khối tư liệu, từ kho ký ức ăm ắp kia. Quả là đương quá hiếm một hồi ký của một quan chức tầm như ông. Biết đâu với tư cách một người viết ông sẽ là người vượt thoát, là phá lệ? Nối dài thêm những con chữ những đầu sách đã xuất bản thì hồi ký, như cách nói của một nhà văn, là một phương thức hữu hiệu để chống lại mọi sự quên lãng!