Hơn 20 dự án giao thông được gỡ nút thắt về vật liệu xây dựng

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, có 21 dự án giao thông được áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường (nghị quyết), sẽ giúp nhiều dự án giao thông được gỡ nút thắt nhằm đẩy tiến độ.

Một trong điểm đáng của nghị quyết này là việc cho phép nhà thầu thi công 21 dự án (được quy định danh mục cụ thể) trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.

"Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường", nghị quyết nêu rõ.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, đối với các mỏ vật liệu mới, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản khá phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp.

Cụ thể như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; lập đề án thăm dò khoáng sản; cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; thực hiện công tác thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật khai thác khoáng sản; cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Thời gian thực hiện kéo dài khoảng 10-12 tháng, khó đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.

“Tuy nhiên, với cơ chế thí điểm Quốc hội cho phép áp dụng, thời gian có thể rút ngắn được khoảng 8-10 tháng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhìn nhận.

Với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) đã được cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trước đó, theo hướng dẫn của bộ chuyên ngành, nhà thầu chỉ cần lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để trình UBND cấp tỉnh nơi có mỏ vật liệu xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và thực hiện đúng các cam kết yêu cầu là hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, để khai thác được vật liệu, nhà thầu còn phải thực hiện công tác thỏa thuận giá bồi thường với chủ sở hữu.

Đảm bảo tính thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo "việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định".

Các địa phương cũng được yêu cầu thành lập Tổ công tác bao gồm chính quyền, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thảo thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; có chế tài để xử lý các trường hợp có tình nâng giá, "ép giá", đầu cơ đất khu vực mỏ.

Thực tế hiện nay, một số mỏ vẫn rất khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường, chủ sở hữu yêu cầu mức giá bồi thường cao. Để tháo gỡ vấn đề này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc trong đàm phán thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.

“Về dài hạn, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế theo hướng đưa mỏ vật liệu phục vụ dự án vào diện Nhà nước thu hồi đất, phân cấp chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và rút ngắn các thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu quan điểm.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, 21 dự án được áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: 

Các dự án đường bộ cao tốc: cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1); cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1); cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và Ninh Bình và cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Cùng với đó là các dự án: Đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông; Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; cầu Đại Ngãi; đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) và dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ - Dự án 1…

chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.