Tăng tốc đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô

Đến nay, nhiều công trình dân sinh, trọng điểm của Thủ đô đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra.

Một đoạn vành đai 4 đang xây qua huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Đẩy nhanh tiến độ thi công

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong tháng 11/2023, dự án tiếp tục khẩn trương bàn giao mặt bằng tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh để triển khai thi công. Tổng vốn đã đầu tư cho dự án là 12,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giải ngân được 64%. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Khi bắt đầu triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã quán triệt các đơn vị, địa phương: "Các công việc triển khai thực hiện dự án phải làm cùng một lúc và phải quyết tâm làm bằng được".

Thành phố cũng triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; triển khai đồng thời việc thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu, để rút ngắn tiến độ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, hiện tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi 726,61/791,40 ha đất, đạt 91,81%. Ban đã tiếp nhận hơn 654/726,61 ha mặt bằng, đạt 90,02%.

Các nhà thầu thi công huy động cả nghìn công nhân triển khai đồng loạt trên 29 mũi, bao gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu.Hiện tại, nhà thầu đang triển khai 5 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu…

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai khởi công ngày 3/12/2022, cải tạo 21,7 km đoạn nút giao Ba La, quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m-60m, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Thời gian thi công toàn dự án từ năm 2022 đến năm 2027.

Hiện nhiều đoạn tuyến đang phải thi công "xôi đỗ". Trong đó, riêng gói thầu số 3/QL6-XL (Km22+220 - Km25+030), nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng 1,52 km/2,81 km để thi công.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng. Dự kiến, với đoạn qua địa bàn xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), nhà thầu thảm bê tông nhựa hạt thô vào cuối tháng 12/2023.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đã khởi công ngày 10/10/2023, với chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại Lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120m-180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.249 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 4,6% kế hoạch vốn.

Sau hơn một năm khởi công, dự án hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng đã thực hiện được 35% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ kế hoạch. Hàng trăm kỹ sư, công nhân đang ép cọc ván thép hai đốt cuối hầm hở U8, U9 và dự kiến đến cuối tháng 12/2023 sẽ hoàn thành phạm vi hầm hở phía bên Đầm Hồng. Đốt hầm kín H10A và các đốt hầm hở từ U6 đến hầm kín đã được nhà thầu cơ bản hoàn thiện phần kết cấu. Theo kế hoạch, dự án có thời gian xây dựng trong 3 năm (2022-2025).

Góp phần tăng giải ngân vốn đầu tư công

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ban đã phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các phòng quản lý dự án để chủ động thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng dự án. Riêng tiến độ giải ngân vốn được xây dựng kế hoạch theo từng tháng để chỉ đạo. Ban cũng phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, có mốc tiến độ cụ thể và là cơ sở để đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.

Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng như các dự án trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện với Thành phố về kết quả giải ngân.

Thành phố cũng đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động trong phối hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng…; giao UBND các quận, huyện, thị xã cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.

Năm 2023, TP Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới, trong đó lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. 
chọn
Cận cảnh cầu vượt đường sắt nối nút giao Liêm Tuyền - QL1A ở Phủ Lý, Hà Nam đang xây dựng
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam kết nối đường Lê Duẩn với QL 1A và cầu Châu Sơn ở TP Phủ Lý, Hà Nam nhằm loại bỏ xung đột giao thông giữa đường sắt quốc gia với đường bộ.