Chiều 16/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng các bộ, ban ngành đã họp trực tuyến cùng với chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban, phó trưởng ban phòng chống lụt bão của 22 địa phương về phòng chống cơn bão số 7.
Bão số 7 là cơn bão mạnh nhất nhiều năm trở lại đây
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi họp khẩn ứng phó với bão số 7 |
Tại buổi họp, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Ban chỉ đạo nhận định: “Bão số 7 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, nếu đường đi của bão không thay đổi so với dự báo hiện nay, thì đây là cơn bão muộn, trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ và xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày ở Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đã tích nước ở mức cao và đầy; diện tích cây trồng màu vụ Đông đã gieo trồng rất lớn...”
Do vậy, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, sáng nay sau khi vào biển Đông, bão số 7 (Sarika) vẫn đang giữ sức gió mạnh cấp 13-14 , giật cấp 16-17.
Lúc 14h chiều nay, tâm bão ở vị trí 16,5 độ vĩ Bắc, 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 700km về phía đông. Bão hiện đang di chuyển nhanh với tốc độ 20-25km/h theo hướng Tây và giữ nguyên cấp gió.
Khi đến giữa quần đảo Hoàng Sa, bão số 7 sẽ di chuyển lệch Tây Tây Bắc và sẽ đạt cấp 14, giật cấp 17 khi tiến sát phía nam đảo Hải Nam, Trung Quốc. Dự báo đến ngày 19/10, bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió giảm còn cấp 12, giật cấp 14-15.
Về vị trí đổ bộ, ông Cường cho biết do còn 3 ngày nữa bão mới vào sát đất liền nên chưa thể xác định chính xác trọng tâm, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế đều có nguy cơ. Vùng khu trú cụ thể sẽ được khoanh trong 1-2 ngày tới. Do bão lớn, vùng có gió mạnh cấp 6 trở lên trải rộng từ Quảng Ninh – Khánh Hoà.
Bão số 7 có thể giảm cấp khi vào Vịnh Bắc Bộ |
“Nguy hiểm nhất hiện nay là trên biển. Bảo đạt cường độ mạnh nhất là cấp 14 khi vào Hoàng Sa, tương đương siêu bão Haiyan. Thời điểm bão đổ bộ cũng là lúc thuỷ triều lớn nhất năm nên nước sẽ dâng 1-2m, sóng biển gần bờ cao 5-6m, ngoài khơi cao 10-14m”, ông Cường cảnh báo.
Theo ông Cường, khi vào bờ nếu vẫn giữ cấp gió 11-12, giật cấp 14-15 thì bão số 7 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây nguy hiểm cho cả các công trình cao tầng.
Do bão di chuyển nhanh nên dự báo sẽ tan nhanh, mưa lớn diễn ra ngắn trong 1-1,5 ngày với lượng trung bình 200-300mm, một số nơi rên 400mm. Vùng mưa lớn sẽ tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Nghệ An trở ra.
Đáng lưu ý, ngay sau khi bão số 7 đổ bộ, biển Đông sẽ có nguy cơ hứng chịu bão Haima với sức gió mạnh hơn nữa, có thể đạt mức siêu bão. Cơn bão này hiện đang hoạt động ngoài khơi Philippines.
22 tỉnh chuẩn bị phương án chống bão
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, bão số 7 đổ bộ đúng thời điểm 4 tỉnh miền Trung đang dốc sức xử lý hậu quả mưa lũ. Đây là cơn bão muộn, trái mùa nên các địa phương dễ có tâm lý chủ quan.
Đường đi và hướng di chuyển của bão số 7 (Ảnh TTKTTVTW) |
Mặt khác, bão số 7 có rất nhiều yếu tố dị thường tác động, do đó các tỉnh trong phạm vi có gió mạnh phải chuẩn bị ở mức cao nhất trong các kịch bản ứng phó. Các tỉnh từ Khánh Hoà trở ra kiên quyết đảm bảo an toàn trên biển.
Ngoài ra, nếu bão đổ bộ Trung Trung Bộ - nơi hầu hết các hồ chứa đã đầy nên rất dễ xảy ra thảm hoạ. Riêng 14 tỉnh trung du miền núi và sườn Tây Trung Trung Bộ cần đề phòng nguy cơ sạt trượt. Ông đề nghị các địa phương rà soát tất cả các phương án theo phương châm 4 tại chỗ.
Báo cáo tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong chiều nay tỉnh đã huy động tất cả lãnh đạo các huyện đến họp trực tuyến. Riêng 2 huyện vùng biển Thái Thuỵ và Tiền Hải đã được lệnh xây dựng phương án chống siêu bão.
Thái Bình đã thu hoạch được 2/3 diện tích lúa, tương đương với 60.000ha. Tỉnh cũng đã kêu gọi tàu thuyền trên sông, biển về nơi tránh, trú bão an toàn.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết, đã lên kế hoạch di dời dân tại các vùng trọng yếu đồng thời chuẩn bị tất cả các nhu yếu phẩm, thuốc chủ động chống bão số 7.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các tỉnh từ Nghệ An – Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện nghiêm công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó tập trung tìm kiếm người mất tích, tiếp tục thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân có người chết, bị thương. Đồng thời, tiến hành rà soát để ứng cứu kịp thời cho những người dân bị thiệt hại, không để bất kỳ 1 người dân nào bị đói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý 4 tỉnh miền Trung tập trung phục hồi sản xuất, trước hết khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông, điện, sửa chữa nhà cửa cho nhà dân; tập trung vệ sinh môi trường, chú ý nước sạch cho người dân, không xảy ra dịch bệnh.
“Với cơn bão số 7, các địa phương cần chủ động tình hình để cho học sinh nghỉ học hoặc cấm biển. Tiến hành kiểm tra an toàn các hồ chứa, các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện”, Phó Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu các địa phương chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm cho các vùng có nguy cơ.