HOSE điểm tên những doanh nghiệp chưa nộp báo cáo soát xét bán niên 2023

Đa số các doanh nghiệp bị trễ hẹn nộp báo cáo tài chính 6 tháng 2023 đã kiểm toán đều thường xuyên chậm trễ công bố thông tin, một số cổ phiếu đang trong tình trạng cảnh báo, hạn chế giao dịch.

Hiện tại, sàn HOSE có khoảng trên 400 mã cổ phiếu đang niêm yết, bên cạnh đó còn các mã chứng chỉ quỹ đóng, mã chứng chỉ quỹ ETF, mã chứng quyền có đảm bảo. (Ảnh minh họa: MH).

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có công văn nhắc nhở loạt doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, bao gồm CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - Mã: AGM), Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN), Vietnam Airlines (Mã: HVN), CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (Mã: DAG), CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX), CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã: IBC), CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG),...

Theo quy định, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo bán niên đã soát xét trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Trường hợp tổ chức niêm yết quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bổ máy kế toán riêng phải công bố báo cáo soát xét trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

18 doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên. (Nguồn: HOSE).

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) là đơn vị thường xuyên chậm trên nộp báo cáo kiểm toán. Đến hiện tại, không những chưa nộp báo cáo soát xét bán niên 2023, hãng hàng không này còn chưa nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Việc liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu tính tới cuối quý II/2023 theo báo cáo tự lập của Vietnam Airlines âm 11.598 tỷ, trong đó lỗ luỹ kế 35.667 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: MH).

Vietnam Airlines cho biết trong giai đoạn vừa qua, tổng công ty đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.

Điều này cũng khiến HOSE ra quyết định chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines kể từ ngày 12/7. Cổ phiếu HVN chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

CTCP Đầu tư Apax Holdings - nơi ông Nguyễn Ngọc Thuỷ làm Chủ tịch HĐQT cũng thường xuyên bị nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính. Công ty này đến nay cũng chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022 và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Hiện tại, cổ phiếu IBC đang trong diện cảnh báo, hạn chế giao dịch.

Theo ông Thủy, trong thời gian qua, công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề. Ngoài ra, tình hình hoàn thiện báo cáo của công ty con - CTCP Anh ngữ Apax đang gặp một số khó khăn do thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính năm 2022.

“Trong năm 2024, Apax Holdings sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố báo cáo tài chính năm 2023 đúng thời hạn”, ông Thuỷ nói trong lần giải trình với HOSE hồi tháng 6/2023.

Tương tự, cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát đang thuộc diện cảnh báo từ ngày 11/7 do công ty chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, trong khi thời hạn để tổ chức là trong 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.

Theo thông tin mới nhất, sau khi công bố báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán năm 2022, Hải Phát dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 21/10. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là 19/9.

Tập đoàn Nhựa Đông Á cũng nhiều lần bị nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính quý I và II/2023 và trễ hẹn công bố thông tin báo cáo thường niên năm 2022. Cổ phiếu DAG của công ty cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 9/8 do vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm.

chọn
Cập nhật KQKD quý I: Lợi nhuận loạt ông lớn giảm sâu
Bên cạnh nhiều đơn vị báo lãi đột biến thì cũng có nhiều doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Masan, REE báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) giảm sâu quý đầu năm.