Sáng 21/9, Đoàn giám sát Ban đô thị HĐND TP HCM đã giám sát công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP HCM tại huyện Bình Chánh.
Theo báo cáo, tổng số dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đã được HĐND TP thông qua từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện là 244 dự án, trong đó 71 dự án hoàn thành (đạt tỉ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%). Số dự án quá ba năm chưa thực hiện đã loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%).
Cụ thể, có 75 dự án cần thu hồi đất trên địa bàn huyện, với tổng diện tích thu hồi 823,73 ha, tính đến nay, trên địa bàn huyện có 25/75 dự án hoàn thành, chiếm 33,3%; 39/75 dự án đang thực hiện, chiếm 52%; có 11 dự án quá ba năm chưa được loại bỏ ra khỏi Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, chiếm 14,7%.
Có 153 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, với tổng diện tích thu hồi trên 730 ha.
Huyện có 10 dự án cần thu hồi và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha đã được HĐND TP thông qua, với diện tích thu hồi trên 543 ha, trong đó thu hồi đất lúa trên 308 ha, hiện nay có ba dự án đang triển khai thực hiện trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021; 7/10 dự án chưa triển khai thực hiện đã loại bỏ khỏi Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện.
6 dự án thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, với diện tích 7,61 ha, trong đó có 4/6 dự án đang thực hiện, 2/6 dự án chậm triển khai loại khỏi Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện…
Pháp luật TP HCM thông tin từ ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, địa phương có hàng loạt dự án đã được HĐND TP HCM từ năm 2015 đến nay thông qua nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn, chậm bồi thường.
Đơn cử như dự án khu E tại Khu đô thị (KĐT) Nam TP, dự án cây xanh cách ly tại hai xã Phong Phú và Đa Phước, dự án KĐT Sing - Việt, dự án KĐT ĐH Hưng Long…
Theo ông Tài, đây là những dự án có quy mô diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và đã có thời gian triển khai hàng chục năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện bồi thường hoặc bồi thường dang dở, có những dự án kéo dài hơn 20 năm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong khu vực dự án.
Ví dụ là khu E trong KĐT Nam TP đến nay đã hơn 22 năm nhưng vẫn chưa bồi thường xong. Hơn 700 hộ dân trong dự án này đã sống trong cảnh thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhà cửa không được nâng cấp, sửa chữa, không được sang nhượng, tặng cho vì đã có thông báo thu hồi đất.
Tương tự, 850 hộ dân trong dự án cây xanh cách ly tại hai xã Phong Phú và Đa Phước cũng khó khăn không kém vì nằm trong dự án đã có thông báo thu hồi đất. Dự án này có quy mô gần 270 ha, được phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay cũng chưa thực hiện bồi thường.
Các dự án này hiện nay nguồn vốn để thực hiện là rất lớn nhưng chưa có kinh phí để thực hiện. Dự án cây xanh cách ly ban đầu nguồn vốn khái toán khoảng 700 tỷ đồng, đến nay lên khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ông Tài cho biết các dự án đã quá ba năm thì huyện Bình Chánh không cho tiếp tục đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm nữa và đề nghị thu hồi dự án.