Huyền thoại ngành thời trang Pierre Cardin qua đời ở tuổi 98

Nhà thiết kế thời trang lừng danh người Pháp Pierre Cardin đã trút hơi thở cuối cùng ngày 29/12, hưởng thọ 98 tuổi.

Sinh ra tại Italy năm 1922, huyền thoại làng mốt Pierre Cardin được biết đến là nhà thiết kế thời trang giàu tâm huyết và đầy cống hiến cho ngành thời trang thế giới. Trong suốt hơn 80 năm hoạt động trong ngành, ông đem tới phong cách thời trang tiên phong và những sáng tạo khác biệt.

Gây dựng thương hiệu mang tên mình

Đế chế thương hiệu Pierre Cardin rộng lớn đến đâu? - Ảnh 1.

Ông Pierre Cardin. (Ảnh: Bazaar).

Bén duyên với nghề may vá từ khi còn rất sớm, ông làm phụ việc tại một tiệm may gia đình - nhà may Vichy, và bắt đầu cắt may những bộ quần áo dành cho nữ. Tuy nhiên, sự nghiệp và những ý tưởng thiết kế táo bạo của ông chỉ thực sự phất lên khi làm việc tại xưởng may của hãng thời trang Christian Dior.

Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn với tư cách là người đã cải tổ ngành công nghiệp thời trang thông qua việc khai thác thành công tên thương hiệu của mình đồng thời đưa ra các mô hình kinh doanh khôn ngoan.

Theo tờ The New York Times, ngoài hoạt động ở lĩnh vực thời trang, ông cũng dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh riêng. Năm 1950, ông tự xây dựng thương hiệu thời trang mang tên mình, chủ yếu thiết kế mặt nạ và bộ đồ hóa trang cho các rạp hát.

Năm 1954, ông thành lập cửa hàng thời trang nữ đầu tiên của mình với tên gọi Eve và cho ra mắt chiếc váy bong bóng. Không bao lâu sau đó, thời trang của ông đã được lựa chọn bởi những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ như Eva Peron, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot, Jeanne Moreau, Mia Farrow và Jacqueline Kennedy.

Trong năm 1957, ông mở một cửa hàng khác ở Paris dành cho nam giới với tên gọi Adam, tập trung vào những chiếc cà vạt nhiều màu sắc và áo sơ mi hoạ tiết.

Đến những năm 1970, ông trở thành người tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu. Mọi thứ từ nước hoa, bút viết, thuốc lá, thậm chí cả hộp cá mòi rồi tới ô tô đều có thương hiệu mang tên ông.

Đế chế thương hiệu Pierre Cardin rộng lớn đến đâu? - Ảnh 2.

Chiếc ô tô mẫu 1972 AMC Javelin mang thương hiệu Pierre Cardin. (Ảnh: Bring a Trailer).

Từ đó, ông được tờ New York Times mệnh danh là "người có tầm nhìn xa về xây dựng thương hiệu". Năm 2002, tờ báo này ghi nhận rằng khoảng 800 sản phẩm mang tên ông đã được bán ở hơn 140 quốc gia, mang về 1 tỷ USD mỗi năm.

Hiện nay, thương hiệu Pierre Cardin được công nhận là thương hiệu được chấp nhận nhiều nhất tại 140 quốc gia với 900 giấy phép sản phẩm khác nhau.

Mở rộng đế chế kinh doanh mang tên Pierre Cardin

Năm 1981, ông mua lại một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất của Paris, Maxim’s với mức giá ước tính là 20 triệu USD.

“Tôi đã làm tất cả mọi thứ! Thậm chí tôi còn sở hữu cả nước suối của riêng mình! Tôi sẽ làm nước hoa, cá mòi. Tại sao không? Trong chiến tranh, tôi thà ngửi mùi cá mòi hơn là mùi nước hoa. Nếu ai đó yêu cầu tôi làm giấy vệ sinh, tôi sẽ làm. Tại sao không?", ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 2002 với tờ New York Times.

Đế chế thương hiệu Pierre Cardin rộng lớn đến đâu? - Ảnh 3.

(Ảnh: Bazaar).

Trong suốt những năm 1980 và 1990, ông Cardin tiếp tục cho ra đời các bộ sưu tập thời trang của mình đồng thời gây dựng đế chế kinh doanh, gồm mua lại và mở rộng chuỗi nhà hàng - khách sạn Maxim). 

Vào năm 2011, ông đã cố gắng bán công ty của mình với mức chào giá là hơn 1,1 tỷ USD. Theo tờ Wall Street Journal, ước tính giá trị của công ty chỉ đạt khoảng 223 triệu USD, cuối cùng, ông Cardin đã không tìm được người mua.

Tại Việt Nam, các sản phẩm mang thương hiệu Pierre Cardin đến với người tiêu dùng bởi một số hãng phân phối độc quyền. Hệ thống thương hiệu này hiện có mặt tại nhiều thành phố lớn trên cả nước như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bến Tre, Long Xuyên, Cà Mau với tổng cộng hơn 20 cửa hàng.

Các sản phẩm mang thương hiệu này tại Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng như giày dép cho nam, nữ, trẻ nhỏ, áo cho nam và các phụ kiện thắt lưng, ví, túi xách.

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.