Dự án dang dở, không có biển cảnh báo nguy hiểm. |
Tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, được triển khai thi công từ nhiều năm nay, nhưng vẫn bị “treo” rồi bỏ dang dở, công trường ngổn ngang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đi lại… khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc.
Đó là thực trạng của dự án Hệ thống tách nước, phân lũ, phòng chống ngập úng cho các xã vùng phía Nam huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ phường Kỳ Phương đến cầu Tây Yên và giai đoạn 2+3 từ cầu Tây Yên đến đê Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh… với tổng mức vốn đầu tư toàn dự án sau khi đã điều chỉnh theo Quyết định số 4087/QĐ-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh là 886.607.679.837 đồng, do Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Hàng trăm hécta đất của hàng trăm hộ dân phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để nhường lại cho dự án.
Tuy nhiên, đến nay, giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng giai đoạn 2+3 của dự án dù đã được triển khai thi công từ năm 2011 vẫn đang bị “treo” chậm tiến độ, thi công dang dở đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, đi lại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đuối nước cho người dân cũng như gia súc, gia cầm của địa phương.
Vừa qua, có mặt tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, chúng tôi chứng kiến trên công trường dự án này trong tình trạng “án binh bất động”, một vài chiếc máy xúc đang đào đất như “rùa bò”, đối phó cho có lệ;
Nhiều khối vật liệu dùng để thi công dự án nằm ngổn ngang la liệt mặc cho hư hỏng bởi nắng mưa. Hệ thống kênh thoát nước đào xới nham nhở giống hồ nước bỏ hoang, sạt lở, xung quanh cỏ dại mọc um tùm…
Nguy hiểm ở chỗ không có các biển báo hoặc chăng dây xung quanh khu vực kênh nước ngập sâu để cảnh báo nguy hiểm.
Ông Trần Xuân Lợi (60 tuổi, ở thôn Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh) cho biết ban đầu thấy dự án triển khai rầm rộ nhưng sau đó thì ngừng lại rồi bỏ hoang, dang dở đến nay, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân.
Đặc biệt, tuyến kênh đào nham nhở rồi bỏ hoang nên mùa mưa đến là nước bị ứ đọng, nơi ngập sâu nhất từ 2-5m.
Dọc 2 bên bờ kênh bị sụt lún không có hàng rào che chắn, không có biển cảnh báo, không có ai quản lý nên mỗi khi người dân đi qua đây để ra đồng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn thả trâu bò phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhất là trẻ em có nguy cơ bị đuối nước treo lơ lửng (năm 2017 đã có 2 trẻ em bị đuối nước tại tuyến kênh này).
“Người dân đã đồng thuận giao đất sản xuất để phục vụ dự án dù rất tiếc vì đất đã canh tác bao đời nay, cứ tưởng dự án sẽ hoàn thành nhanh chóng, ai ngờ lại bị “treo” mãi như vậy.
Nếu dự án không triển khai nữa, không đem lợi ích cho người dân mà còn gây ảnh hưởng lớn cho người dân vì thoát lũ chưa thấy nhưng đã gây ngập úng, nguy hiểm tính mạng khiến dân lo lắng, bất an thì mong Nhà nước xem xét hoàn trả lại mặt bằng để người dân khôi phục sản xuất…”, ông Lợi nói.
Theo một cán bộ Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh, giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Còn giai đoạn 2+3 của dự án được triển khai thi công từ năm 2011, theo kế hoạch ban đầu là đến năm 2013-2014 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên do bị vướng mắc GPMB, đến năm 2015 huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) mới bàn giao mặt bằng được khoảng hơn 1km, tức là chưa được 30% nên chỉ triển khai đào kênh ở khúc giữa để giữ mặt bằng, còn 2 đầu vẫn vướng GPMB. Ngoài ra, nguồn vốn cũng chưa được bố trí đủ…
Trong khi đó, một cán bộ thị xã Kỳ Anh cho biết năm 2014 đã giải phóng được khoảng 2/3 mặt bằng bàn giao cho dự án. Nếu nói vấn đề GPMB ảnh hưởng đến dự án là không đúng, bởi như thôn Hòa Lộc đã đủ điều kiện để thi công.
Hơn nữa, khi thi công nếu có vướng mắc phải có ý kiến nhưng họ không có ý kiến. Không hiểu lý do vì sao chưa triển khai dự án.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Đàn, Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, rất bức xúc: “Địa phương đã nhiều lần có báo cáo, kiến nghị bằng văn bản về những bất cập, hệ lụy do dự án này gây ra gửi lên UBND thị xã Kỳ Anh, Ban Quản lý KKT tỉnh, thậm chí là tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri thị xã, tỉnh cũng đều có phản ánh.
Thế nhưng, đến nay vẫn không có ai phản hồi gì cả, trong khi đó, dự án đang đóng cửa bỏ hoang dang dở không thấy ai làm nữa.
Nếu dự án này không thể làm, yêu cầu phải khẩn trương hoàn trả mặt bằng cho địa phương để bàn giao lại cho nhân dân tiếp tục khôi phục sản xuất, chứ không thể để dự án dang dở rồi bỏ đó được. Như vậy, người dân và địa phương cùng khổ”.
Theo ông Đàn, giai đoạn 2+3 của dự án kéo dài từ cầu Tây Yên đến đê Hòa Lộc với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, được thi công từ năm 2011 nhưng đã gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại sản xuất của người dân không được khắc phục.
Mùa nắng thì không tưới được nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mùa mưa thì đường lầy lội không đi lại được mà phải đi đường vòng rất xa, toàn bộ kênh nước đào dang dở, không ai quản lý bảo vệ, không có hệ thống cảnh báo nên rất mất an toàn cho người dân cũng như gia súc, gia cầm.
Năm 2017, đã có 2 trẻ em bị chết đuối thương tâm ngay tại khu vực kênh nước của dự án này. Sắp tới, nếu nhà đầu tư vẫn không chịu khắc phục, không loại trừ khả năng tiếp tục xảy ra nhiều vụ tai nạn chết đuối thương tâm nữa.
'Ổ' dự án treo ở khu Đông TP HCM giải cứu ra sao? |