Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 giảm 14,6% xuống còn 10,49 triệu bao do xuất khẩu từ tất cả các nước đều giảm. Tuy nhiên, đây là khối lượng xuất khẩu trong tháng 5 cao thứ ba từ trước đến nay và theo sau khối lượng cao kỉ lục trong năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê arabica giảm 19,7% xuống 6,43 triệu bao trong đó các lô hàng của Colombia giảm 13,4% xuống 999.000 bao.
Xuất khẩu của Brazil giảm 25,7% xuống 2,82 triệu bao. Các lô hàng arabica xanh giảm 27,3% xuống còn 2,2 triệu bao, phản ánh chu kì sản xuất hai năm một lần của vụ mùa 2019 - 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu của Ethiopia tăng 7,8% lên tới 381.000 bao.
So với tháng 5/2019, xuất khẩu từ các nước còn lại giảm 14,4% xuống 2,61 triệu do khối lượng của 5 nhà xuất khẩu lớn nhất giảm, đáng chú ý là xuất khẩu của Honduras giảm 20,9% xuống còn 730.000 bao.
Xuất khẩu arabica trong 8 tháng đầu năm 2019 - 2020 đạt 83,8 triệu bao, giảm 4,7% so với 87,96 triệu bao trong cùng kì năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu từ Colombia giảm 7,9% xuống 9,33 triệu bao, từ Brazil giảm 9,6% xuống 26,23 triệu bao và từ các quốc gia khác giảm 7,4% xuống 16,58 triệu bao. Ngược lại, các lô hàng robusta tăng 2,5% lên 31,67 triệu bao.
Nhập khẩu bởi các thành viên ICO và Mỹ, trung bình chiếm khoảng 75% nhập khẩu toàn cầu, tăng 5,1% lên 11,76 triệu bao trong tháng 3 và giảm 3,7% xuống còn 64,22 triệu bao trong 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu của EU và Mỹ giảm lần lượt 2,9% và 8,2% xuống còn 41,6 triệu bao và 13,75 triệu bao. Nhập khẩu của Nhật Bản giảm 8,3% xuống 3,6 triệu bao, của Tunisia giảm 6,2% xuống 265.000 bao và Na Uy giảm 0,5% xuống 363.000 bao.
Ngược lại, nhập khẩu của Liên bang Nga tăng 8% lên 2,99 triệu bao trong khi của Thụy Sĩ tăng 7,8% lên 1,65 triệu bao.
Brazil là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất của EU, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm. Tiếp theo là Việt Nam (13,8%), Colombia (3,9%), Honduras (3,8%) và Uganda (3,2%).
Cụ thể, nhập khẩu từ Brazil và Việt Nam giảm lần lượt 6,7% và 10,4% xuống 8,32 triệu bao và 5,74 triệu bao. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Colombia tăng 0,3% lên 1,63 triệu bao, từ Honduras tăng 20,7% lên 1,57 triệu bao và từ Uganda tăng 7,6% lên 1,35 triệu bao.
Khoảng 70% lượng nhập khẩu của EU là cà phê xanh trong khi cà phê hòa tan chiếm khoảng 10%. Trong nửa đầu năm, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam là những nguồn cung cấp cà phê hòa tan đáng kể cho khối, lần lượt chiếm 5,4%, 4,7% và 3,5% tổng lượng nhập khẩu hòa tan của EU.
Nhập khẩu từ Brazil và Colombia chiếm 53,6% lượng nhập khẩu của Mỹ trong 6 tháng đầu năm, ngoài ra còn có Việt Nam (9,1%), Mexico (4,9%) và Peru (4,1%).
Nhập khẩu từ Brazil giảm 2,7% xuống 4,21 triệu bao, từ Colombia giảm 10,3% xuống 3,15 triệu bao và từ Việt Nam giảm 18,5% xuống còn 1,25 triệu bao.
Các lô hàng từ Mexico và Peru giảm lần lượt 21,5% và 27,3% xuống 672.000 bao và 558.000 bao.
5 nguồn nhập khẩu cà phê hòa tan lớn nhất của Mỹ là Brazil, Mexico, Colombia, Ấn Độ và Tây Ban Nha, chiếm 87,8% tổng số. Trong khi đó 5 nguồn nhập khẩu cà phê rang lớn nhất là Canada, Italia và Thụy Sĩ chiếm 71,8% trong khi Mexico và Colombia lần lượt chiếm 10,8% và 7,3%.
Tương tự như EU và Mỹ, Nhật Bản vẫn nhập khẩu cà phê chủ yếu từ Brazil, Việt Nam và Colombia trong nửa đầu năm nay, lần lượt chiếm 30,7%, 25,1% và 15,3%. Ethiopia và Indonesia, chiếm 7% và 6,2% tổng nhập khẩu, là hai nhà cung cấp lớn tiếp theo.
Nhập khẩu từ Brazil giảm 27,2% xuống 1,1 triệu bao và từ Indonesia giảm 21,3% xuống 223.000 bao. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 12,9% lên 904.000 bao, từ Colombia tăng 14,4% lên 551.000 bao, và từ Ethiopia tăng 6,8% lên 252.000 bao.
Gần 90% tổng nhập khẩu của Nhật Bản là cà phê xanh, trong khi cà phê hòa tan chiếm khoảng 9%.
Brazil, Việt Nam và Colombia chiếm gần 75% tổng nhập khẩu hòa tan, trong đó các lô hàng từ Brazil tăng 5,4% lên 145.000 bao, từ Colombia tăng 20,5% lên 28.000 bao trong khi từ Việt Nam giảm 14,7% xuống 68.000 bao.