Một tòa nhà bị đổ sập sau trận động đất kèm theo sóng thần ở Sulawesi, Indonesia ngày 30/9. |
Cơ quan quốc gia quản lý thiên tai (BNPB) và Viện Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Indonesia (Lapan) thông báo sẽ sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để nghiên cứu, xác định những ảnh hưởng nặng nề nhất do trận động đất, gây sóng thần tại Sulawesi ngày 28/9 vừa qua.
Người đứng đầu Lapan, ông Thomas Jamaladin cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các điểm bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần ở Trung Sulawesi dựa trên các hình ảnh vệ tinh.
Giám đốc trung tâm Thông tin và Dữ liệu quốc gia Indonesia của BNPB, Sutopo Purwo Nugroho thừa nhận lực lượng cứu hộ gặp khó khăn trong việc thâm nhập các điểm bị ảnh hưởng để có thể tiếp cận được các nạn nhân do giao thông bị hư hại nặng nề.
Mạng lưới điện và dịch vụ viễn thông bị gián đoạn cũng gây khó khăn cho việc lập bản đồ về tác động của thiên tai.
Ông Sutopo cho rằng việc sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao sẽ giúp có các phân tích nhanh hơn và chính xác hơn về ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần tại các khu vực Donggala và Palu, qua đó tiến hành công tác sơ tán và cứu trợ kịp thời.
Ông nhấn mạnh "việc sử dụng hình ảnh vệ tinh giúp xác định mức độ và những khu vực bị thiệt hại là rất hữu ích, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng đang cần sự hỗ trợ khẩn cấp." Trong khi đó, tại tỉnh Trung Sulawesi đã xảy ra vụ tù nhân vượt ngục, cướp bóc sau thảm họa động đất, sóng thần.
Bạo loạn xảy ra tại trại giam Butan II B, thành phố Donggal ngày 29/9; khoảng 100 tù nhân đã đập phá, đốt các buồng giam và sau đó trốn thoát khỏi trại, sau khi giới chức nhà tù không đáp ứng yêu cầu của họ đòi được về nhà để tìm hiểu và giúp đỡ người thân sau trận động đất và sóng thần.
Trại giam Butan II B hiện giam giữ 342 tù nhân, vượt quá khả năng thực tế chỉ giam giữ được khoảng 116 người. Hiện tại hầu hết các buồng giam tại đây đã cũ nát.
Giám đốc trại giam Butan II B, Saifuddin cho biết hàng trăm cảnh sát đã được điều động để kiểm soát cuộc bạo loạn. Tuy nhiên, đám cháy lan rộng và mất kiểm soát do thiếu xe cứu hỏa đến dập lửa.
Tại Palu cũng xảy ra vụ cướp xăng dầu ở một trạm xăng trên đường Bongo vào chiều 29/9.
Nhiều người dân đã mang can, chai, lọ đến trạm xăng này để cướp bóc do tình trạng thiếu nhiêu liệu.
Những người này thậm chí còn phá khóa để múc xăng trong bể chứa của trạm xăng này.
Tính đến 21h ngày 29/9 theo giờ địa phương, số nạn nhân thiệt mạng do trận động đất, sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi đã lên tới 420 người.
Đây mới chỉ là con số cập nhật tại thành phố Palu, vì khu vực Donggala và Sigi, những nơi dân cư đông đúc gần tâm chấn của các trận động đất, vẫn đang bị chia cắt giao thông và liên lạc, nên chưa cập nhật được thông tin.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một trong những khu vực hay xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhất trên thế giới.
Hồi tháng 8 vừa qua, đảo Lombok đã hứng chịu hàng loạt trận động đất khiến khoảng 500 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn.
Dân Indonesia bức xúc vì cảnh báo sóng thần dỡ bỏ quá sớm
Cơ quan địa vật lý Indonesia đang đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội khi nhiều người đặt câu hỏi liệu có phải ... |
Thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia: Số người chết tăng lên 420
Số người thiệt mạng trong thảm họa kép ở tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia đã tăng lên 420 người, đài truyền hình Kompas hôm 29/9 dẫn ... |
Indonesia tan hoang sau thảm họa động đất, sóng thần
Tất cả giờ chỉ còn là đống đổ nát, tan hoang sau khi một trận động đất mạnh 7,5 độ Richter gây ra sóng thần ... |