Mỗi năm có 17 học sinh đuối nước, Khánh Hòa quyết đưa môn bơi vào học đường |
Bão Damrey làm ngành giáo dục Khánh Hòa thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng nên mọi đề án đều dừng lại để ổn định việc dạy và học. Ảnh: Khải An |
Khánh Hòa có đặc thù bờ biển trải dài và nhiều sông, suối, hồ; tình trạng mưa, lũ diễn ra ngày càng phức tạp nhưng tỷ lệ HS phổ thông biết bơi lại rất thấp, cấp tiểu học chỉ có gần 13%, THCS gần 22%. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có 17 HS bị đuối nước và tử vong, trong đó HS tiểu học và THCS là đối tượng bị tác động, ảnh hưởng nhiều nhất.
Hiện toàn ngành GD-ĐT tỉnh này không có bể bơi trong trường học, số bể bơi hiện có thuộc các ban, ngành và tư nhân quản lý không đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện thể chất cho HS. Do đó, vào cuối tháng 10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh (HS) tiểu học, THCS trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đề án, trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh sẽ lắp đặt 16 bể bơi di động tại 8 huyện, thị xã, thành phố để triển khai dạy bơi đại trà cho HS. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn giải pháp lắp đặt 16 bể bơi di động ở 7 trường tiểu học và 9 trường THCS trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Hiện các cơ sở dạy bơi trên địa bàn Khánh Hòa đều thuộc về tư nhân. Ảnh: Khải An |
Cụ thể, trong năm học này, mỗi địa phương sẽ lắp đặt 2 bể bơi di động, gồm 1 bể cho tiểu học và 1 bể cho THCS; riêng huyện Khánh Vĩnh đề xuất lắp đặt 2 bể dành cho cấp THCS phục vụ giảng dạy cho cả 2 cấp học.
Diện tích mỗi bể bơi cấp tiểu học là 300m2, cấp THCS là 500m2 và có thể thay đổi theo mặt bằng cũng như nhu cầu thực tế. Mỗi bể bơi có 8 phòng công năng riêng biệt, có mái che, sàn chống trơn trượt, hệ thống camera giám sát, vận hành khép kín theo quy trình di chuyển một chiều…
Để Đề án sớm thực hiện, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động đầu tư trang bị cơ sở vật chất lắp đặt bể bơi và trang thiết bị ban đầu, với tổng trị giá gần 11 tỷ đồng từ ngân sách. Sau đó, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi và tiến hành xã hội hóa các khâu quản lý, vận hành để triển khai đề án.
Rất nhiều thiết bị dạy và học đã bị bão Damrey làm hư hỏng. Ảnh: Khải An |
Sở GD- ĐT Khánh Hòa cũng cho biết tùy vào tình hình thực tiễn của các địa phương về số lượng HS tham gia học, đối tượng chính sách được miễn, giảm, thời gian khai thác của bể bơi và trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí thu, chi đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, mức thu phí học bơi không vượt quá 200.000 đến 250.000 đồng/HS/khóa, tùy cấp học và thời gian học.
Tuy nhiên, khi Đề án đang chuẩn bị xúc tiến thì bão Damrey đỗ bộ trực tiếp vào Khánh Hòa làm ngành giáo dục tỉnh này thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Đã có rất nhiều các trường học tốc mái, hư hỏng bàn ghế, thiết bị dạy học… Phải mấy hơn 1 tuần sau bão toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh mới có thể đến trường.
“Đề án Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh (HS) tiểu học, THCS trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 đã được UBND tỉnh thông quan nên chắc chắn sẽ tiến hành. Tuy nhiên, bão số 12 làm ngành giáo dục thiệt hại quá lớn.
Trong những ngày qua, toàn ngành giáo dục Khánh Hòa vẫn đang ưu tiên khắc phục thiệt hại để sớm ổn định hoạt động dạy và học do đó Đề án trên tạm gác lại. Về thời gian tái khởi động chúng tôi vẫn chưa bàn cụ thể vì vẫn đang tập trung ổn định dậy vào học trên địa bàn”, ông Lê Tuấn Tứ Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Khánh Hòa: Nhiều học sinh vẫn chưa thể đến trường sau bão Damrey
Gần một tuần sau bão, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn đang trong quá trình dọn dẹp, khắc phục hậu quả ... |