Khi bị phơi nhiễm HIV, chúng ta cần phải làm gì đầu tiên?

Vừa qua, 10 người tại Sài Gòn bị một kẻ lạ đâm vật nhọn phải đến bệnh viện điều trị vì phơi nhiễm HIV đang gây hoang mang cho rất nhiều người. Tuy nhiên, càng hoảng loạn sẽ càng khiến nạn nhân cận kề với căn bệnh này hơn bao giờ hết.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế, phơi nhiễm với HIV là tình huống có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Khi bị phơi nhiễm HIV, chúng ta cần phải làm gì đầu tiên? - Ảnh 1.

Hình ảnh kim tiêm vương vãi trong bồn hoa trên một cây cầu bộ hành ở TP HCM.

Phơi nhiễm HIV được chia làm 2 loại là phơi nhiễm nghề nghiệp và ngoài môi trường nghề nghiệp. Thông thường, người dân hay bị kim tiêm, vật nhọn có nghi dính máu hoặc dịch của người mắc HIV, sử dụng chung bơm kim tiêm với người có mắc HIV... đâm phải.

Bác sĩ Lê Mạnh Hùng – Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, phơi nhiễm HIV là một tình trạng rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày, nhưng không phải cứ phơi nhiễm là sẽ bị mắc HIV. 

"Nhiều trường hợp vì quá hoảng loạn và thiếu kiến thức xử lý nên đã dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Càng hoảng loạn sẽ càng khiến nạn nhân cận kề với căn bệnh này hơn bao giờ hết", bác sĩ Hùng cảnh báo.

Một người nếu nghi ngờ bản thân mình gặp tai nạn có thể bị phơi nhiễm HIV hãy đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được xử lý vết thương, tư vấn, uống thuốc điều trị trong 72 giờ kể từ lúc gặp tai nạn.

Vị phó giám đốc chia sẻ, hơn 10 năm qua bệnh viện điều trị cho rất nhiều trường hợp nạn nhân đến cầu cứu trong trạng thái rất hoảng sợ nhưng sau khi uống thuốc theo phác đồ, chưa có trường hợp nào bệnh nhân bị HIV, tất cả đều cho kết quả âm tính nên mọi người đừng quá lo lắng để phòng tránh nguy hiểm và hậu quả xấu.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần trang bị những kiến thức sơ cứu, xử lý khi rơi vào tình huống phơi nhiễm HIV trong cộng đồng bởi nguy cơ phơi nhiễm khá đa dạng như tiếp xúc qua đường máu, quan hệ tình dục với người bị nhiễm HIV, bị tiêm kiêm tiêm, vật nhọn có máu của người nghi ngờ nhiễm HIV vào người,… nên nhanh chóng xử lý bởi càng để lâu thì hậu quả có thể sẽ càng nghiêm trọng.

Nếu bị đâm hoặc giẫm phải kim tiêm, vật nhọn nghi dính máu HIV, người gặp nạn cần bình tĩnh lấy vật gây tổn thương ra, rửa vết thương dưới vòi nước sạch. Không bóp, nặn cho máu gây tổn hại thêm vết thương. Dùng xà phòng rửa sạch, dung dịch NaCl, thuốc sát khuẩn để sát trùng rồi băng bó vết thương lại, đưa người bị nạn đến bệnh viện.

Tin tưởng và làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi được tư vấn xét nghiệm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV theo phác đồ trong trường hợp cần thiết.

"Điều quan trọng nhất, nạn nhân nên bình tĩnh, không suy nghĩ tiêu cực, nếu cảm thấy tâm lý có nhiều thay đổi, bất ổn, phải báo ngay với người thân và bác sĩ để được phân tích, hiểu rõ hơn vấn đề đang gặp phải. Tránh nghĩ ngợi, thù hằn dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật", bác sĩ Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới nhấn mạnh.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.