Khi tướng Chung tới 'hiện trường'

Chiều tối 2/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tới Hồ Tây kiểm tra tình hình cá chết bất thường. Ông Chung đi cano ra hồ thị sát một số điểm xuất hiện cá chết, sau đó chỉ đạo cho các đơn vị chức năng ngay trên bờ hồ.

Khi chiếc xe công vụ cuối cùng rời khu vực hồ, trời đã về khuya, người qua lại thưa thớt vẫn thấy ông Chung đứng yên lặng, mặc mùi cá tanh tới lộng óc.

Sau 10 tháng nhậm chức chủ tịch Hà Nội, hình ảnh ông Chung xuất hiện tại những điểm nóng đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.

Nhớ vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông (tháng 3/2016); vụ sập nhà ở Cửa Bắc (tháng 8/2016). Ông Chung đều có mặt khá sớm ở hiện trường, chỉ đạo trực tiếp các công việc liên quan. Ông cũng đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân bị xe “Camry điên” đâm trên phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, tháng 2/2016); gặp gỡ, biểu dương “ông Tây dọn mương thối” ở Cầu Giấy (tháng 5/2016); ký quyết định đặc cách, bổ nhiệm viên chức với vợ Đại tá phi công Trần Quang Khải (tháng 6/2016). Chủ tịch Hà Nội còn công khai số điện thoại cá nhân với tuyên bố: "Bất cứ nội dung gì các bạn nhắn tin qua số điện thoại này tôi sẽ chỉ đạo giải quyết".

Thực ra, không phải tới khi ngồi "ghế nóng" ở Uỷ ban ông mới có những động thái "gần dân". Hồi còn là Giám đốc Công an Hà Nội, Tướng Chung cũng đã để lại những ấn tượng đẹp trong mắt người dân khi nhanh chóng có mặt tại hiện trường, trực tiếp tham gia phá án, đặc biệt trong các vụ án giải cứu con tin như vụ Trần Thanh Bình cướp tài sản, khống chế bốn con tin (tháng 9/2014); giải cứu cháu bé năm ngày tuổi bị bố bắt giữ (tháng 11/2013) hay vụ truy tìm kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện phụ sản Trung ương (tháng 11/2011).

 5666
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi cano thị sát tình hình cá chết trên Hồ Tây. Ảnh: Zing.vn

Đó là những gì người dân “nhìn thấy” khi ông Chung giữ hai chức vụ quan trọng của Hà Nội. Có thể có người cho rằng ông Chung là người giỏi “làm hình ảnh” khi luôn biết xuất hiện ở đúng chỗ, đúng lúc nhưng với những người giúp việc cho ông Chung ở cả hai cương vị đều chia sẻ rất thật rằng đó là tính cách của ông Chung.

Từ khi về UBND thành phố, ông đã nhiều lần triệu tập các lãnh đạo phòng ban, chuyên viên đến họp vào lúc… nửa đêm, thậm chí 2, 3 giờ sáng nếu Hà Nội “có việc lớn”. Nhân viên của ông Chung ở Ủy ban đã thay đổi rất nhiều về cách làm việc trước sự chỉ đạo quyết liệt, đến nơi đến chốn của vị Chủ tịch trẻ. Một trong những việc đầu tiên của ông Chung khi về Ủy ban là chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc. Chủ tịch Hà Nội còn chỉ đạo lập các đoàn kiểm tra công vụ kiểm tra đột xuất các bộ phận trực tiếp thực thi công vụ và giải quyết công việc thường xuyên của người dân, doanh nghiệp.

10 tháng qua, Hà Nội bắt đầu có những dấu hiệu “thay da đổi thịt”. Thủ đô lập phố đi bộ quanh Hồ Gươm, nới giờ giới nghiêm ở phố Cổ, lắp wifi miễn phí ở các khu vực trung tâm, có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện đại, đặt máy bán nước tự động để hạn chế hàng rong… các vấn đề liên quan đến dân sinh, phản ánh của báo chí về những bất cập, tiêu cực tại Thủ đô đều được giải quyết khá nhanh chóng.

Phát biểu tại lễ nhậm chức vào tháng 12/2015, tân Chủ tịch Hà Nội cam kết "hành động kiên quyết, sáng tạo, sâu sát với cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, nghiêm túc lắng nghe tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân". Ông Chung đang dần thực hiện cam kết đó. Và việc ông thường xuyên xuất hiện tại các điểm nóng chính là "hàn thử biểu" cần thiết với người dân.

Hình ảnh vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền Hà Nội trên Hồ Tây, tại hiện trường một vụ nổ hay một vụ sập nhà nghiêm trọng khiến người dân có niềm tin rằng vụ việc ấy sẽ được giải quyết đến nơi đến chốn. Khi có được niềm tin và sự ủng hộ của dân, lãnh đạo mới có thể làm được những việc lớn lao hơn. Và Hà Nội vẫn đang chờ những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.