Ảnh minh họa. (Nguồn: GD&TĐ). |
Nhu cầu có
Trong một hội thảo cấp quốc gia về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý mới đây, Bộ GDĐT đã công bố kết quả khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Khánh Hòa…, cho thấy có trên 90% học sinh đang gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý. Trong đó, học sinh THPT là lứa tuổi cần được tư vấn và can thiệp nhiều nhất. Một kết quả khảo sát trên 1.000 học sinh THCS nội thành TP HCM của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm TP HCM cũng cho thấy, có 84,3% học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân. Trong đó, 44,6% học sinh cảm thấy mệt mỏi chán nản và 41,1% học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi học sinh phổ thông - giai đoạn có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có nhiều trăn trở, suy tư, lo lắng và có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn. Đó là những vấn đề liên quan đến tâm lý, tình yêu, giới tính, sinh sản, hướng nghiệp…
Trong khi nhận thức của các em còn hạn chế, cộng thêm dễ bị dao động, kích động, tổn thương… thì gia đình, trường học chưa trở thành chỗ dựa về đời sống tâm lý, tinh thần. Do thiếu niềm tin với gia đình, thầy cô, bạn bè và không biết cách giải quyết vấn đề phát sinh, học sinh thường chọn cách tự đè nén, lâu ngày dẫn đến trầm cảm, u uất, thậm chí chọn hành động tiêu cực là tự tử…
Nói về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay, TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cho rằng, học sinh đang trong quá trình hình thành, phát triển, các em rất có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Đó là những vướng mắc khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp; những vấn đề nảy sinh khi sử dụng internet...
Nếu các em không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nếu nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử...
Vẫn bỏ ngỏ
Để có thể giúp học sinh có thể phát triển một cách bình thường về nhân cách, có những ứng xử phù hợp cũng như biết cách đối mặt với những khó khăn trong học tập lẫn các mối quan hệ bạn bè ở học đường, các nước phát triển gần như đều có hệ thống tư vấn học đường ở trường học.
Có thể nói tư vấn học đường từ lâu đã không còn xa lạ với hệ thống giáo dục nước ta. Tuy vậy, việc tìm hiểu, thừa nhận tầm quan trọng, xây dựng đội ngũ tư vấn viên và tạo điều kiện cho nhà tâm lý hoạt động trong môi trường giáo dục lại chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Bộ GDĐT, năm 2015, Bộ đã tiến hành khảo sát thực trạng công tác tư vấn tâm lý tại một số trường THPT, THCS, đại học trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, ngành GDĐT nhận thấy việc triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh tại các trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực có chuyên môn về tâm lý học.
Còn về phía học sinh, hầu hết chưa thật sự tin cậy để chia sẻ những tâm tư với các chuyên gia tư vấn và thầy cô nên còn ngại đến phòng tư vấn tâm lý. Như chia sẻ của TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trường ĐH KHXHNV TP HCM tại một cuộc hội thảo về vấn đề này thì hai nguyên tắc trong tư tư vấn cho học sinh là bí mật và tin tưởng nhưng phòng tư vấn dường như còn thiếu độc lập với nhà trường và phụ huynh.
Hơn nữa, TS Nguyên cũng băn khoăn về cách tiếp cận của nhiều giáo viên tư vấn, khi các em đến phòng mà hỏi “Có vấn đề gì em cứ nói đi” như công an hỏi thì sao các em chia sẻ cho được.
Ngoài ra, nhân lực cũng là một vấn đề lớn khiến công tác này gặp khó khăn. Thực tế tại các trường phổ thông, đội ngũ này được chia làm hai loại. Chỉ một số ít trường có điều kiện, quan tâm công tác tư vấn tuyển hẳn giáo viên chuyên trách, tốt nghiệp các chuyên ngành tâm lý học, công tác xã hội… Còn lại, hầu hết trường sử dụng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm.
Cần hoạt động bài bản
Trước thực trạng tâm lý học trò ngày càng phức tạp, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc tư vấn tâm lý học đường. Và mới đây, Bộ đã ban Thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.Tuy nhiên nhiều nhà tư vấn tâm lý cho rằng chính những nhà quản lý giáo dục chưa thật sự hiểu về công tác tư vấn tâm lý.
Theo Thông tư của Bộ GDĐT, nhà trường phải có Tổ tư vấn để hỗ trợ học sinh. Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội, không hề đề cập đến chuyên gia hay chuyên viên tâm lý.
Theo ông Lê Khanh (Phòng tư vấn Tâm lý gia đình và trẻ em), với thông tư này thì dường như hoạt động tư vấn tâm lý học đường giống như môn Giáo dục công dân, lại na ná như chương trình huấn luyện kỹ năng sống và trông giống như một hoạt động đoàn đội. Cảm giác đội ngũ này rất đầy đủ, chỉ trừ có một cái không có, đó chính là hoạt động tư vấn tâm lý cho từng học sinh khi phải đối diện với những khó khăn, thách thức dẫn đến các rối nhiễu tâm lý cần can thiệp trị liệu... Thực chất đây là tổ để dạy dỗ học sinh về tâm lý chứ không phải như một người biết lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng các em.
Bởi theo phân tích của PGS.TS Trần Thị Lệ Thu- trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng (Khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thì nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng mâu thuẫn, giận dỗi với bố mẹ, bạn bè nhưng không có cơ hội để chia sẻ, không được giải tỏa khiến cho tâm lý tiêu cực tích tụ ngày càng nhiều lên, dẫn đến những phản ứng tiêu cực, hoặc đứa trẻ trở nên cục cằn thô lỗ với người thân bạn bè chung quanh, hoặc xa lánh, hoặc dễ nổi nóng, hay gây gổ... Tùy theo từng trường hợp cụ thể, người tư vấn tâm lý phải nắm bắt được những điểm mấu chốt của vấn đề để giúp các bạn trẻ tháo gỡ. Cảm nhận được sự thấu hiểu, tạo dựng được cảm giác tin cậy giúp bạn trẻ dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc để hoạt động tư vấn tâm lý tại trường học đạt hiệu quả.
Có thể nói một trong những đặc thù quan trọng của việc tư vấn tâm lý là tính độc lập chuyên nghiệp của chuyên viên tư vấn để đảm bảo những nguyên tắc nghề nghiệp và đặc biệt hiệu quả hỗ trợ từng em học sinh. Trao đổi với báo chí, đề cao sự độc lập ông Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP HCM cho rằng, người làm tư vấn không thể kiêm nhiệm được.
Đà Nẵng lùi thời gian thực hiện đề án Sữa học đường 242,5 tỷ đồng
Do phạm vi thực hiện đề án Sữa học đường trên địa bàn rộng với số lượng học sinh khá đông, gặp nhiều vướng mắc ... |