Ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định xã hội trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Bộ trưởng nêu rõ "Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lí cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế".
Trong cuộc họp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết dịch bệnh đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp qui mô, trong khi thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.
Theo Tổng cục Thống kê, có tới 17,6 triệu người có thu nhập bị giảm do dịch bệnh Covid-19. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15 đến 54 tuổi chiếm tới 30,7% tổng số thất nghiệp.
Đáng lo ngại ở chỗ, những ảnh hưởng này sẽ kéo theo các hệ luỵ về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi các cơ quan cần sớm có giải pháp đồng bộ.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho những người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh.
Cuối cùng, tại buổi thảo luận, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chưa cao.
Chẳng hạn như gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng mới triển khai được hơn 11 nghìn tỉ đồng, tỉ lệ đạt như vậy là quá thấp. Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ vừa qua để rút ra những điều chỉnh cần thiết.