Em học sinh ấy tên là Tình, 13 tuổi, em học lớp 8, trường THCS Quảng Đông, Thanh Hoá. Như bao cậu bé ở tuổi dở dở, ương ương, giờ ra chơi, em chơi đùa, ném chai nước nhựa từ tầng 2 xuống sân trường, chẳng may trượt qua đầu thầy Nguyễn Quý Cầu, giáo viên Tiếng Anh của trường.
Tình đã xin lỗi, mặt em tái mét vì sợ hãi, sợ chứ, ném chai nước vào đầu một người lớn, đứa trẻ nào chẳng sợ, huống hồ người lớn ấy còn là một thầy giáo của trường. Những tưởng thầy giáo sẽ phạt em theo cách thông thường, chạy một vài chục vòng quanh sân trường, hay bất quá, bắt em lên phòng giám hiệu viết bản kiểm điểm. Nhưng không, người thầy đáng kính đã lao vào đánh đập em, như một kẻ côn đồ. Cậu bé 14 tuổi bị thầy tát liên tiếp vào mặt, em khóc, lấy tay che mặt thì ông thầy lại hung hãn đá vào bụng, cào cấu vào ngực em. Hậu quả, em phải lên trạm y tế chữa trị vết thương. Trên cổ em, vết xước da dài hơn 10cm, móng tay của ông thầy để lại. Nó sẽ còn hằn sâu trong ký ức của em, kể cả khi vết thương đã lành.
Học sinh lớp 8 bị thầy giáo cào cấu, đánh đập với vết xước tới 10 cm |
Gần đây, cùng với những vấn đề bức xúc vô tận, ngành giáo dục còn phải hứng chịu những hình ảnh vô cùng xấu xí từ cách hành xử không đúng mực của một bộ phận giáo viên. Ấy là hình ảnh 6 em học sinh lớp 7 bị thầy giáo dùng thước gỗ đánh bầm tím vùng đùi, mông vì nô đùa, đánh gãy ghế.
Một nữ sinh Lào Cai bị cô giáo đánh tím mắt chỉ vì viết sai chính tả. Gia đình phải đưa em đến bệnh viện để điều trị.
Trước đó, một học sinh bị thầy giáo ở Thanh Hoá đánh nhập viện, rạn, vỡ mõm xương khuỷu tay.
Bạo hành xảy ra tại trường học mà người bạo hành không ai xa lạ, chính là những người được xã hội, học trò tôn kính gọi là thầy, là cô khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang, những người làm cha, làm mẹ không khỏi lo lắng. Thậm chí có những người thầy được nhìn nhận là giáo viên dạy giỏi, thương học trò, chưa từng đánh học trò cũng có lúc nổi giận mà trút xuống đầu đám trẻ con.
Đáng buồn ở chỗ, thầy đánh trò đã xảy ra nhiều lúc, nhiều nơi, hầu như tháng nào cũng rộ lên một vài vụ, nhưng không được quan tâm một cách đúng mực. Việc trút nóng giận lên đầu của một đứa trẻ, của người lớn, bất kể được bao biện bằng lý do gì, cũng là một phản ứng, một biện pháp tiêu cực song nhiều người vẫn bao biện rằng “yêu cho roi cho vọt”, thầy đánh để giáo dục học trò, là chuyện “có thể chấp nhận được” bởi “cha ông ta xưa cũng thế”, “ông đồ nho nào chẳng có cái roi trong phòng”. Có người trích dẫn chuyện Đông, rồi sang cả Tây, bảo bên Mỹ cũng có tới 19 bang cho phép thầy được đánh trò bằng…gậy gỗ như một cách…xử phạt.
Sau tất cả những vụ thầy đánh trò, kỷ luật nặng- nhẹ sẽ diễn ra, thầy, cô đều bày tỏ sự ăn năn, ân hận, và rồi tất cả lại trôi đi cùng dòng chảy của cuộc sống. Phần lớn những thầy, cô đánh học trò vẫn được đứng lớp, gia đình học trò cũng hiếm khi theo đuổi kiện tới cùng vì con còn đi học, cũng không thể làm gì quá căng thẳng với nhà trường. Và rồi, những vụ bạo hành học trò, lần sau lại tiếp tục rộ lên, rồi lại lắng xuống…
Học trò lớp 7 bị đánh bầm mông vì làm gãy một chiếc ghế |
Tôi có cậu con trai, hồi cậu học lớp 9 một trường công lập đã bị cô chủ nhiệm dùng thước kẽ gõ lên mu bàn tay vì nghịch ngợm, xé vở của một bạn ngồi cùng bàn. Sau khi bị đánh, cậu im lặng khá lâu, không kể với gia đình, nhưng xa lánh cô chủ nhiệm và bộc lộc sự chống đối ngầm. Cô chủ nhiệm, thật may, sau đó biết việc đánh một cậu “trống choai” ngay trước lớp, trước mặt các bạn gái là không nên, đã chủ động gặp con trai tôi và trò chuyện như hai người bạn…Cô trò họ đã hoá giải được với nhau và thống nhất được ở một điểm: trò xé sách của bạn là sai, cô đánh trò là chưa đúng. Khi cậu chia tay trung học cơ sở để lên cấp 3, trong lưu bút của lớp, cậu mới viết lại. Và cậu nói với cô rằng: cảm ơn cô, đã đủ yêu thương để đánh cậu vừa đủ đau…
Không đủ yêu thương, xin các vị đừng chọn đi theo nghề giáo bởi để dạy một đứa trẻ lên người, vào khuôn phép, rất có thể các vị vẫn cần chiếc thước kẽ gỗ gõ lên mu bàn tay học trò, đủ để chúng thấy “yêu cho roi cho vọt”, chứ không phải hung hãn đấm, đạp, túm cổ học trò như thầy Quý làm với em Tình, hôm nay.